11:34 07/07/2011

Thu hút FDI và tín hiệu mới từ Samsung Complex

Anh Minh

Samsung đề xuất tăng vốn đầu tư vào dự án tổ hợp công nghệ thông tin Samsung (Samsung Complex) tại Bắc Ninh

Nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh.
Nhà máy của Samsung tại Bắc Ninh.
Trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang trở nên khó khăn, việc tập đoàn Samsung đề xuất tăng vốn đầu tư vào dự án tổ hợp công nghệ thông tin Samsung (Samsung Complex) tại Bắc Ninh lên mức 1,5 tỷ USD có thể coi là một tín hiệu tốt lành.

Nguồn tin từ Bắc Ninh cho hay, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho dự án Samsung Complex với khá nhiều ưu đãi đặc biệt.

Đây là cơ sở quan trọng để chủ đầu tư tiến hành tăng vốn cho dự án này từ mức 670 triệu USD hiện nay lên mức 1,5 tỷ USD trong thời gian tới, biến Samsung thành nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử, điện máy tại Việt Nam.

Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh quy định rằng đối với mục tiêu nghiên cứu, phát triển, sản xuất, lắp ráp, gia công các sản phẩm điện tử khác ngoài điện thoại di động trong phạm vi số vốn 670 triệu USD đã đăng ký, Samsung Complex sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, miễn 50% trong 9 năm tiếp theo (tức còn 5%).

Đồng thời, nhà đầu tư này cũng được miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư bán thành phẩm, linh kiện và các bộ phận phụ trợ mà trong nước chưa sản xuất được cho hoạt động sản xuất, lắp ráp điện thoại di động trong vòng 5 năm, kể từ tháng 4/2009.

Những ưu đãi này, tuy chưa đáp ứng được như đề xuất của chủ đầu tư trước đó, song có thể coi là rất đáng kể vì doanh số cũng như lợi nhuận của dự án này là rất lớn.

Trước đó, tập đoàn Samsung đã có đề xuất gửi Chính phủ xin được ưu đãi đặc biệt để triển khai dự án này. Cụ thể, khi tiến hành tăng vốn lên 1,5 tỷ USD, Samsung muốn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, miễn 50% trong 9 năm tiếp theo cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả sản xuất điện thoại di động.

Đề xuất này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủng hộ và đề xuất lại với Chính phủ, mặc dù theo quy định hiện hành, đối với phần vốn mở rộng đầu tư (tăng vốn) thì không được áp dụng ưu đãi đầu tư.

Hơn nữa, trong khi Samsung muốn được hưởng các ưu đãi dành cho một doanh nghiệp công nghệ cao, thì theo quy định tại Quyết định số 49/2010/QĐ - Ttg ngày 19/7/2010 về danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, điện thoại di động, máy tính các thiết bị điện tử viễn thông đều không còn được coi là “sản phẩm công nghệ cao” như trước đây.

Sự ủng hộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với các đề xuất của Samsung không phải là không có cơ sở thực tế.

Theo một lãnh đạo của Bộ, trong bối cảnh có hiện tượng một số doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử có xu hướng chuyển sang nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh thương mại, thì việc Samsung mở rộng sản xuất là điều cần được ghi nhận.

Hơn nữa, trong thời gian qua, Samsung đã thu hút được 30 nhà đầu tư vệ tinh đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD vào Bắc Ninh, và trong tương lai dự kiến sẽ thu hút được tổng cộng 200 nhà đầu tư vệ tinh.

“Các dự án mở rộng thường là các dự án có tình hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên các doanh nghiệp mới có nhu cầu mở rộng. Khi chuyển sang giai đoạn này, các dự án đã bước sang giai đoạn đầu tư có chiều sâu, thể hiện ý định làm ăn lâu dài tại Việt Nam, do vậy cần được tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về ưu đãi đầu tư”, bản báo cáo gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ nêu rõ.

Trong các báo cáo của Samsung gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam, nhà đầu tư này khẳng định sẽ giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 670 triệu USD trong giai đoạn 2013-2015 và nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2020.

Samsung cũng cho biết sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 30-50% sau 3-4 năm kể từ khi có sản phẩm.

Chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, hiện nhà máy của Samsung đang hoạt động khá hiệu quả tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. Theo báo cáo của nhà đầu tư, dự kiến vào cuối năm nay nhà máy này sẽ đạt mốc xuất khẩu 3 tỷ USD.

Và nếu dự án mở rộng đầu tư của Samsung trở thành hiện thực, tới năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của tổ hợp này được dự tính sẽ lên tới khoảng 16 tỷ USD.

Kế hoạch này có được thực hiện hay không, khi mà các ưu đãi mà Samsung đề xuất đã không được chấp thuận ở mức cao nhất, là một câu hỏi mà có lẽ chỉ riêng Samsung mới có thể trả lời được.

Tuy nhiên, khi dòng vốn đầu tư trên toàn thế giới đang giảm sút và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam không phải là ngoại lệ, như VnEconomy từng đề cập trong bài viết “Thu hút đầu tư công nghệ cao: Từ những đề xuất bị từ chối”, quan điểm của các chuyên gia về đầu tư là trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn thu hút các nhà đầu tư lớn, không có cách nào khác là phải đưa ra các ưu đãi.