11:42 13/08/2009

Thu phí chỉ là giải pháp tình thế

Đinh Tịnh

Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu tăng phí trước bạ, thu phí lưu thông phương tiện cá nhân ở Hà Nội và Tp. HCM

Nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch thu phí lưu thông phương tiện cá nhân có thể sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, khi họ lại phải đóng thêm một loại phí chưa có tiền lệ.
Nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch thu phí lưu thông phương tiện cá nhân có thể sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, khi họ lại phải đóng thêm một loại phí chưa có tiền lệ.
Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu tăng phí trước bạ, thu phí lưu thông phương tiện cá nhân ở Hà Nội và Tp. HCM, một giải pháp tình thế nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này này sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, khi họ lại phải đóng thêm một loại phí chưa có tiền lệ.

Đề cập đến việc thu phí phương tiện giao thông cá nhân tại các thành phố lớn liệu có hợp lý, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, nói:

- Thực tế, nếu chúng ta nhìn vào bản chất của sự việc sẽ thấy sự chỉ đạo của Chính phủ đối với Bộ Tài chính xem xét kiến nghị thu phí lưu thông phương tiện cá nhân ở Hà Nội và Tp.HCM chủ yếu nhằm giải “bài toán” ùn tắc giao thông đường bộ.

Tại một số nước như: Singapore, Nhật Bản, Thái Lan... hình thức thu phí này đã được áp dụng. Tôi cho rằng, nếu được thực hiện tại Việt Nam cũng là hợp lý. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu để thực hiện như thế nào; mức phí là bao nhiêu...

Nếu đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm giải quyết nạn ùn tắc giao thông, thì đâu là gốc của vấn đề?

Đó là quy hoạch, nếu quy hoạch tốt, chúng ta sẽ có hệ thống tốt. Hiện nay, hạ tầng cơ sở tại các thành phố lớn còn quá nhiều hạn chế. Nhiều công trình thi công dang dở trong nhiều năm, những tuyến đường “lô cốt” trong việc đào đường, làm cống... Bên cạnh đó, nhiều nhà cao tầng vẫn được phép xây dựng.

Theo tôi, Chính phủ cần kiên quyết hơn nữa trong việc xóa bỏ những dự án nhà cao tầng tại các trung tâm thành phố. Đồng thời, di chuyển các bệnh viện, trường học, khu đô thị, nhà máy ra các vùng ven. Có như vậy, mới giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông liên tục như hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi mua xe ôtô, họ đã phải đóng một mức thuế rất cao. Còn việc đóng các loại thuế về xây lắp, đường sá xây dựng họ cũng đóng đủ, vì thế nếu tiếp tục chịu phí lưu thông trong thành phố là điều khó chấp nhận.

Cũng có thể quy định này ban đầu sẽ không thuận lòng dân lắm vì thay đổi một thói quen của số đông rất khó. Thế nhưng, theo quan điểm của tôi, nếu khó mà bây giờ không làm thì sẽ không bao giờ làm được.

Dù biết nguyên nhân của ùn tắc và sự phát triển xe cá nhân là do sai lầm từ khâu quy hoạch, định hướng phát triển giao thông vận tải, giờ siết lại cũng phải trả giá, dư luận xã hội bức xúc nhưng nếu không làm được thì tình trạng giao thông ở các thành phố ngày càng xấu, trầm trọng thêm.

Chủ trương này trước đây Cục Đường bộ từng đề xuất nhưng dư luận phản đối quyết liệt, nên giờ để các địa phương tuỳ tình hình thực tế của mình để triển khai. Bên cạnh đó, để hạn chế xe cá nhân tại 2 thành phố lớn, Cục Đường bộ cũng đã tham mưu xây dựng đề án phát triển xe buýt để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.

Ông có đề xuất gì đối với việc thu phí phương tiện cá nhân tại thành phố Hà Nội và Tp.HCM?

Theo tôi, chúng ta nên kiên quyết tiến hành thu phí đường bộ. Tuy nhiên đây là vấn đề nhạy cảm nên cần lấy ý kiến từ nhiều phía. Trước mắt, tại Hà Nội và Tp.HCM có thể áp dụng thí điểm thu phí trên một số tuyến đường hay xảy ra ùn tắc, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đi vào khu vực này.

Hoặc tại các tuyến này, chúng ta sẽ áp dụng thí điểm thu phí theo giờ (tức là vào giờ cao điểm chúng ta mới thực hiện thu phí, còn những giờ khác thì không thu phí). Ngoài ra, một phương án nữa đó là lập các trạm thu phí tại các cửa ngõ thành phố, hạn chế lượng xe vào nội thành...

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhanh, khối lượng lớn; bổ sung một số tuyến xe buýt theo hướng xã hội hóa và bố trí các tuyến đưa đón cán bộ, công nhân viên, sinh viên, học sinh...