Thủ tướng Anh tuyên bố không hoãn Brexit dù bị Quốc hội cản
Đạo luật hoãn Brexit chính thức có hiệu lực, nhưng Thủ tướng Johnson vẫn tuyên bố bằng mọi giá sẽ không hoãn Brexit
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 10/9 tuyên bố ông sẽ không đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cho hoãn việc Anh rời khỏi khối này, tức Brexit. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Anh chính thức thông qua một dự luật buộc ông Johnson phải hoãn Brexit cho tới năm 2020 trừ phi ông đạt được một thỏa thuận với EU.
Theo hãng tin Reuters, chỉ trong vòng một tuần trở lại đây, Quốc hội Anh đã hai lần từ chối đề xuất của ông Johnson về phá vỡ thế bế tắc hiện nay xung quanh Brexit thông qua việc tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Mâu thuẫn giữa ông Johnson với Quốc hội Anh bị đẩy lên cao khi vị Thủ tướng quyết định đình chỉ hoạt động của Quốc hội cho tới ngày 14/10. Sau khi quyết định này được đưa ra, một cảnh tượng náo loạn đã được ghi nhận tại Hạ viện Anh, khi nhiều nghị sỹ đối lập giơ những tờ giấy viết dòng chữ "bị bịt miệng" và hô to "thật đáng xấu hổ" về phía các nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền.
Với việc đạo luật hoãn Brexit được thông qua, ông Johnson có vẻ đã mất quyền kiểm soát đối với việc Anh rời EU. Đạo luật quy định ông phải xin hoãn Brexit trừ trường hợp ông đạt một thỏa thuận mới tại hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng tới.
Các nhà lãnh đạo EU vẫn nói họ chưa nhận được đề xuất cụ thể nào từ Chính phủ Anh để chuẩn bị cho các cuộc thương thảo tại thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 17-18/10. Ông Johnson thì nói ông hy vọng sẽ giành một thỏa thuận tại hội nghị này, nhưng tiếp tục để ngỏ khả năng Brexit không thỏa thuận.
"Chính phủ sẽ xúc tiến đàm phán một thỏa thuận, đồng thời chuẩn bị rút khỏi khối mà không có thỏa thuận", ông Johnson nói trước Quốc hội sau khi đề xuất bầu cử sớm bị bác bỏ.
"Tôi sẽ tới hội nghị thượng đỉnh quan trọng đó vào ngày 17/10 và cho dù Quốc hội này có nghĩ ra bao nhiêu kế để trói tay tôi, thì tôi vẫn sẽ cố gắng đạt một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia. Chính phủ của tôi sẽ không hoãn Brexit thêm nữa", ông tuyên bố.
Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nói đảng này sẵn sàng cho việc bầu cử sớm, nhưng sẽ không ủng hộ động thái của ông Johnson nhằm tiến tới bầu cử sớm trừ phi Brexit chắc chắn sẽ bị hoãn nếu không có thỏa thuận.
"Chúng tôi không sẵn sàng cho thảm họa mà Brexit không thỏa thuận gây ra cho các cộng đồng của chúng ta", ông Corbyn nói.
Ba năm sau ngày trưng cầu dân ý, Brexit - quyết định địa chính trị lớn nhất của nước này trong nhiều thập kỷ - vẫn còn là một "mớ bùng nhùng". Các lựa chọn đặt ra cho nước Anh vào ngày 31/10 bao gồm Brexit có thỏa thuận, Brexit không thỏa thuận, hoãn Brexit, và cả từ bỏ Brexit.
Đạo luật được thông qua ngày 9/9, đã chính thức có hiệu lực sau khi nhận được sự phê chuẩn của nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, yêu cầu ông Johnson phải hoãn Brexit 3 tháng trừ trường hợp Quốc hội Anh trước ngày 19/10 chấp nhận một thỏa thuận mà ông đạt được với EU hoặc nhất trí để Brexit không thỏa thuận diễn ra.
Cho dù ông Johnson có đạt một thỏa thuận với EU trong tháng 10, thì cũng chưa có gì chắc chắn thỏa thuận đó sẽ được Quốc hội Anh chấp thuận. Người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May đã phải từ chức vì không thuyết phục được Quốc hội "gật đầu" với thỏa thuận mà bà đạt được với Brussels.
Với chủ trương không hoãn Brexit, sẵn sàng để Brexit cứng xảy ra, ông Johnson đã đẩy cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn 3 năm này lên một cấp độ mới.
Thị trường tài chính và các doanh nghiệp Anh đang lo lắng như "ngồi trên đống lửa", bởi Brexit không thỏa thuận sẽ cắt đứt hoàn toàn các mối liên hệ hiện nay giữa Anh với khối thị trường chung, đồng nghĩa với đẩy nền kinh tế Anh vào thảm họa chưa từng có tiền lệ.