18:19 19/05/2021

Thủ tướng: Cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội

Tiến Dũng

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 19/5...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Ảnh: VGP.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của chính sách xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để ổn định và phát triển bền vững đất nước.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thời gian tới quan tâm sâu hơn, đầu tư nhiều hơn, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách đối với người nghèo, người yếu thế.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cơ chế, chính sách và việc tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ người yếu thế trong xã hội còn bất cập. Vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này chưa nổi bật, trong khi nhiều cá nhân tự phát thực hiện các công việc này.

Về việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (gói 62.000 tỷ đồng), Thủ tướng cho rằng vẫn tồn tại nhiều bất cập, có tiền nhưng không giải ngân được. 

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ động nghiên cứu, nắm bắt những bất cập, tồn tại, những điểm chưa phù hợp về cơ chế, chính sách, để kịp thời báo cáo và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Nhấn mạnh rằng các chính sách của ngành liên quan tới mọi người dân, Thủ tướng lưu ý mọi chính sách, thông điệp phải giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra và đánh giá.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng trong xây dựng chính sách, "càng có nhiều ý kiến phản biện, càng có sự tham gia góp ý của các đối tượng bị tác động thì càng tốt”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thời gian tới tiếp tục phối hợp triển khai tốt công tác hỗ trợ, giải cứu người lao động Việt Nam tại các nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với hoàn cảnh. 

Thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao, trong đó tập trung sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đề xuất các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.

Thủ tướng ủng hộ quyết tâm của Bộ trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát tại các huyện nghèo trên cả nước, tinh thần là “càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý rằng kế hoạch thực hiện phải được xây dựng với các mục tiêu cụ thể cùng những tiêu chuẩn, tiêu chí, cách làm rõ ràng, sử dụng nguồn lực hiệu quả, đồng thời có sự kiểm tra và giám sát để tránh tiêu cực.

"Cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm phiền hà cho nhân dân và ngay trong nội bộ. Phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm, không để sai phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn", Thủ tướng nhấn mạnh. 

Báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội - mức cao nhất trong các nước ASEAN. Trong đại dịch, thông qua chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hơn 14,4 triệu người đã được hỗ trợ với tổng số tiền lên tới hơn 33.000 tỷ đồng.

“Giảm nghèo là điểm sáng của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi đây là một trong những câu chuyện thành công nhất và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.