14:10 20/05/2021

Thủ tướng: Châu Á cần gác lại mâu thuẫn, đoàn kết và giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch

Quang Thanh

Sáng ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với chủ đề "Chung tay xây dựng châu Á trong kỷ nguyên hậu Covid-19" tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 - Ảnh: VGP.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng hoan nghênh Nikkei đã lựa chọn chủ đề rất đúng đắn và phù hợp cho Hội nghị lần này. Với chủ đề: “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á trong khôi phục toàn cầu”, hội nghị cho thấy vị thế, vai trò của châu Á trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 và khôi phục, phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

GÁC LẠI MÂU THUẪN, CÙNG NHAU VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH

Thủ tướng nhấn mạnh Châu Á luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế và chính trị thế giới, có ảnh hưởng sâu rộng và đa diện đến sự định hình kỷ nguyên mới.

 

"Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết, thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch. Càng trong những lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức".

THỦ TƯỚNG

PHẠM MINH CHÍNH

Trong nhiều thập kỷ qua, châu Á đã vững vàng vượt qua không ít khủng hoảng, suy thoái, thảm họa thiên nhiên; vươn lên trở thành một động lực rất quan trọng của kinh tế toàn cầu. Sự thành công bước đầu của các nước châu Á trong phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế thời gian qua đã chứng minh sự năng động và sức sống mãnh liệt của một khu vực đang vươn lên khẳng định vị thế trong một thế giới đang thay đổi.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 được đánh giá là “thảm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai”, đã đang và sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, khu vực, cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước.

"Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước cần gác lại mâu thuẫn, bất đồng, đoàn kết, thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch. Càng trong những lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức", Thủ tướng Chính phủ khẳng định.

Theo Thủ tướng, hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đặc biệt. Do đó, các nước cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp nền kinh tế trụ vững qua đại dịch, vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai; cùng nhau “Chung tay xây dựng Châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu Covid-19”.

6 KHUYẾN NGHỊ HỢP TÁC QUAN TRỌNG CỦA VIỆT NAM

Để cùng nhau vượt qua đại dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 nội dung hợp tác mà các nước châu Á cần tập trung thúc đẩy.

Thứ nhất, phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao là biện pháp hữu hiệu kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời là đột phá chiến lược về dài hạn.

"Với tốc độ phát triển hiện nay, châu Á cần hệ thống hạ tầng vững chắc để hỗ trợ phát triển kinh tế và kết nối thông suốt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây", Thủ tướng nêu rõ.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, đến 2030 các quốc gia châu Á đang phát triển cần đầu tư ít nhất 1.700 tỷ USD mỗi năm cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Thủ tướng bày tỏ hoan nghênh các sáng kiến về cơ sở hạ tầng chiến lược chất lượng cao mà chính phủ Nhật Bản và các đối tác đã đề xuất.

 

"Người Việt Nam có câu 'Lửa thử vàng, gian nan thử sức', người Nhật Bản có danh ngôn 'Hoa mơ nở trong tuyết'. Chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng chúng ta sẽ đoàn kết, cùng nhau 'Chung tay xây dựng Châu Á trong kỷ nguyên hậu Covid-19'".

THỦ TƯỚNG

PHẠM MINH CHÍNH

"Chúng ta cũng cần có cách tiếp cận mới, sáng tạo trong huy động vốn và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, khuyến khích các hình thức đối tác công - tư (PPP), lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả song phương, đa phương nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Sự phục hồi hậu Covid của châu Á sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng duy trì thương mại và đầu tư cả trong nội khối cũng như với các khu vực bên ngoài. Các nỗ lực này cần được triển khai ở tất cả các cấp độ từ toàn cầu, khu vực, liên khu vực, đến nỗ lực cải cách trong nước của mỗi quốc gia", Thủ tướng Chính phủ nêu rõ khi đề cập tới các khuôn khổ liên kết kinh tế theo hướng mở, dựa trên luật lệ như CPTPP, RCEP.

Thủ tướng cũng cho rằng các bên cần cùng nhau thảo luận, tìm ra cách thức vận hành nền kinh tế khu vực phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ưu tiên cho lưu chuyển hàng hóa và đi lại của người dân, bảo đảm chuỗi cung ứng và sản xuất, kinh doanh vận hành suôn sẻ.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số chính là động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu Covid.

 

"Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 với các nước, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước trong cuộc chiến này, nhất là trong việc nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận bình đẳng trong phân phối vaccine phòng Covid-19".

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Theo Thủ tướng, để tối ưu hóa lợi ích và giảm thiểu nguy cơ từ nền kinh tế số đang bùng nổ, các nước châu Á cần tăng cường hợp tác trong nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, kết nối kỹ thuật số; xây dựng chính phủ số kinh tế số, xã hội số; Nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người dân; đào tạo kỹ năng mới cho người lao động; và phối hợp xây dựng các khung khổ về bảo đảm an ninh mạng, bảo mật dữ liệu...

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch.

"Điều này sẽ giúp định hướng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế trên nền tảng bền vững hơn, bảo đảm cân bằng sinh thái và giải quyết những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch Covid-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 với các nước, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước trong cuộc chiến này, nhất là trong việc nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận bình đẳng trong phân phối vaccine phòng Covid-19.

"Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn cung, tiếp cận bình đẳng, kịp thời vắc-xin, đồng thời giảm các rào cản về sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vắc-xin một cách cởi mở, thiết thực, hiệu quả, công bằng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đều nghị nghiên cứu thành lập hoặc phát huy các cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác sau này; như việc thành lập Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.

Thứ sáu, trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề cấp bách chưa có tiền lệ, trên hết và trước hết, các nước cần đóng góp có trách nhiệm đối với vấn đề này; cần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương của Liên hợp quốc, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán COC sớm đạt được hiệu quả; duy trì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Thủ tướng khẳng định việt Nam tham gia có trách nhiệm và sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình, ổn định, phát triển và tình đoàn kết; vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia và trong khu vực; vì sự ấm no và hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới.

"Người Việt Nam có câu 'Lửa thử vàng, gian nan thử sức', người Nhật Bản có danh ngôn 'Hoa mơ nở trong tuyết'. Chúng tôi có niềm tin sâu sắc rằng chúng ta sẽ đoàn kết, cùng nhau 'Chung tay xây dựng Châu Á trong kỷ nguyên hậu Covid-19'. Niềm tin này xuất phát từ những giá trị, bản sắc châu Á. Đó là những giá trị về tinh thần cộng đồng, tầm nhìn, sự bền bỉ, quả cảm, kỷ luật, linh hoạt thích ứng và khát vọng vươn lên", Thủ tướng nói.