Thủ tướng: “Doanh nghiệp Italy nhìn về phương Đông, hãy chọn Việt Nam”
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Italy - ASEAN lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi doanh nghiệp Italy đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
Sáng này 6/6, Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao Italy - ASEAN lần thứ 3 được khai mạc tại Hà Nội với chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Thượng đỉnh hôm nay là một sự kiện đặc biệt với sự tham gia của cả Thủ tướng và Phó thủ tướng, điều này cho thấy sự ủng hộ và đánh giá cao của chúng tôi đối với sự hợp tác của Chính phủ Italy, các doanh nghiệp Italy và ASEAN với Việt Nam".
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Italy thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. "Xin gửi tới các doanh nghiệp Italy, những người bạn phương xa, khi các bạn nhìn về phương đông, hãy nhìn vào Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân đang phát triển năng động, một thành viên tích cực của cộng đồng ASEAN với quy mô GDP gần 3.000 tỷ USD. Chúng ta hãy cùng hợp tác để cùng thành công, cùng phát triển lớn mạnh. Điều đó sẽ càng tuyệt vời hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) sớm được phê chuẩn, ký kết và đi vào thực thi".
Cũng tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Thượng đỉnh cấp cao Italy - ASEAN là diễn đàn hiệu quả để thúc đẩy các cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng giữa Italia và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, tăng cường mối quan hệ chính trị và đối tác chiến lược giữa các tổ chức và công ty của Italy và ASEAN.
Chia sẻ tại thượng đỉnh, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tin rằng ASEAN là một đối tác cơ bản và quan trọng đối với Italia. Ông cho rằng cơ hội hợp tác giữa Italy và ASEAN đang ngày càng được mở rộng và phát triển hơn nữa, trong đó không thể không nói đến sự hợp tác, trao đổi giữa con người, văn hóa và xã hội.
Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác trong kinh tế, con người, văn hóa nhưng vẫn còn rất nhiều mặt cần phải cố gắng cải thiện. Ông cũng đề cập đến việc hợp tác trong vấn đề an ninh hoặc vấn đề biến đổi khí hậu. Italy và ASEAN đều đang phải chịu ảnh hưởng của sự khắc nghiệp của khí hậu, vì vậy hai bên cần có những biện pháp cụ thể để thay đổi tình trạng này.
Theo Nguyên Thủ tướng Italy, kiêm Chủ tịch hiệp hội Italy ASEAN - Enrico Letta, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và là một khu vực kinh tế, địa chính trị rất quan trọng với Chính phủ Italia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Italy nói riêng. Italy luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương Italy - Việt và mối quan hệ đa phương Italy - ASEAN trong đó tại Việt Nam là cửa ngõ chiến lược của các doanh nghiệp Italy tại khu vực Đông Nam Á.
"Điều đó đồng nghĩa với việc dự kiến sẽ có nhiều các dự án xúc tiến thương mại cũng như tăng cường dòng vốn đầu tư của Italy vào Việt Nam trong thời gian tới để làm bàn đạp cho các doanh nghiệp Italy hiện diện mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường tiềm năng ASEAN này. Nền kinh tế Italia và Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng, và ông tin chắc điều đó sẽ tạo thuận lợi hơn, dễ dàng và nhanh chóng hơn cho các doanh nghiệp Italia", ông Enrico Letta chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên tại hội nghị, ông Vito Saracino, giám đốc điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của Ariston Thermo (Italy) cho biết doanh nghiệp này đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam, là một thị trường quan trọng đối với công ty tại châu Á, với dân số trẻ và thể chế ổn định, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Sự kiện diễn ra nhân dịp chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Sự kiện, được tổ chức bởi UBND Tp.Hà Nội phối hợp cùng Phòng thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM), thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp đến từ Italy và khu vực ASEAN cùng hơn 150 doanh nghiệp của chủ nhà Việt Nam.
Trước đó, trong cuộc hội đàm ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau và sẽ phấn đấu tăng kim ngạch song phương từ gần 5 tỷ USD lên 6 tỷ USD năm 2020 và 10 tỷ USD vào các năm sau đó.