15:12 22/03/2023

Thủ tướng đối thoại với thanh niên: Tìm giải pháp hiệu quả nhất, khuyến khích sự cống hiến không mệt mỏi của thanh niên 

Thu Hằng

Việt Nam đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ, đây là vấn đề phải làm rất nhanh, bởi vì chúng ta muốn đi nhanh thì phải đào tạo con người. Cùng với hạ tầng thì phải chọn đột phá chất lượng nhân lực cao, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận...

Sáng 22/3 tại Hà Nội đã diễn ra Đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị. 

Xây dựng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; các giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay… nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu.

Gửi câu hỏi đến cuộc đối thoại, doanh nhân trẻ Phạm Nhật Thành nêu vấn đề hiện nay, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có nhiều công nghệ mới được ứng dụng để giúp tối ưu hoá quy trình như công nghệ số, công nghệ thông tin tích hợp, trí tuệ nhân tạo, cuộc cách mạng này mang lại rất nhiều cơ hội mới nhưng cùng với đó là không ít thách thức cho lực lượng lao động trẻ Việt Nam.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Tú, Bí thư Đoàn tại một doanh nghiệp tại Cà Mau nêu thực tế nhiều lao động trẻ có nhu cầu được đào tạo lại, trang bị thêm những kỹ năng phù hợp để tham gia thị trường lao động. Đại biểu mong Chính phủ có những giải pháp trong vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp những câu hỏi của thanh niên tại Đối thoại. Ảnh - VGP.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp những câu hỏi của thanh niên tại Đối thoại. Ảnh - VGP.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận ở thời điểm này, thanh niên Việt Nam không chỉ mạnh về số lượng mà cả chất lượng, song dù có dân số, lực lượng lao động trẻ nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia chưa mạnh.

Cùng với đó, năng suất lao động của Việt Nam chưa cao. Có nhiều yếu tố, bên cạnh chuyện lao động phi chính thức còn nhiều thì rõ ràng kỹ năng lao động, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống… cũng còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Mặt khác, tỷ lệ lao động qua đào tạo nhìn chung thấp, 70% qua đào tạo nhưng chỉ có hơn 26% có chứng chỉ, so với các nước ASEAN là rất thấp.

Đại biểu thanh niên gửi câu hỏi đến cuộc Đối thoại. Ảnh - VGP. 
Đại biểu thanh niên gửi câu hỏi đến cuộc Đối thoại. Ảnh - VGP. 

Vấn đề nữa theo Bộ trưởng là đang có sự phân hóa xã hội rất lớn. “Chúng ta phải nhìn nhận thách thức dài hơn. Bây giờ có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ nhưng 15 năm nữa thì cứ 4 người có 1 người già. Đây là vấn đề phải quan tâm. Thanh niên Việt Nam cũng như xu hướng thế giới đang phải đối đầu với 4 chuyển đổi mà không nắm bắt thì chúng ta sẽ tụt hậu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chuyển đổi thứ nhất là chuyển đổi công nghệ, trọng tâm là chuyển đổi số. Chuyển đổi này sẽ thay đổi về cung cách quản trị quốc gia; thay đổi cách sống và làm việc, đặc biệt đối với giới trẻ.

Chuyển đổi thứ hai là chuyển đổi không gian. Không gian trọng tâm là tăng trưởng. Quá trình tăng trưởng sẽ thúc đẩy đô thị hóa. Chính đô thị hóa sẽ thay đổi cơ cấu việc làm, điều kiện sống và nếu như Việt Nam không thích ứng, tuổi trẻ Việt Nam không nhanh thích ứng thì chúng ta sẽ gặp khó khăn. Thứ ba là chuyển đổi xanh, làm thay đổi mô hình kinh tế. Thứ tư là chuyển đổi xã hội, từ chỗ Việt Nam có dân số trẻ bước sang dân số già.

Trước những bối cảnh như vậy, có nhiều vấn đề đang đặt ra. Bộ trưởng cho biết, cách đây 1 tuần, Ban Bí thư đã cho chủ trương ban hành chỉ thị về tăng cường đào tạo nhân lực Việt Nam, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP về xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập và hiệu quả, trong đó có 15 nhóm giải pháp cơ bản.

Đặc biệt, cùng với hạ tầng thì phải chọn đột phá chất lượng nhân lực cao và trọng tâm là lấy hệ thống đại học và 45 trường đào tạo nghề chất lượng cao làm nền tảng. Xoay quanh vấn đề muốn chuyển đổi số nhanh thì phải đào tạo nhân lực. “Chúng ta đang thiếu khoảng 1 triệu nhân lực công nghệ, đây là vấn đề phải làm rất nhanh, bởi vì chúng ta muốn đi nhanh thì phải đào tạo con người”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần quan tâm hệ thống chính sách phụ cận. Bộ trưởng ví dụ về việc chúng ta đặt ra mục tiêu 1 triệu căn nhà cho công nhân và phấn đấu đến năm 2030 không còn nhà tạm ở Việt Nam, tạo nền tảng cũng như chăm lo cho phúc lợi xã hội để thanh niên, công nhân, những người lao động trẻ yên tâm để cống hiến, sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ về những vấn đề thanh niên quan tâm tại Đối thoại. Ảnh - VGP. 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ về những vấn đề thanh niên quan tâm tại Đối thoại. Ảnh - VGP. 

Đối thoại với Thanh niên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính  nhấn mạnh, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao. Để đạt mục tiêu, khát vọng này, chúng ta thực hiện 3 trụ cột lớn: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (để phát huy tối đa khối đại đoàn kết, năng lực của mỗi người dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại), xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân (mọi chính sách đều hướng tới người dân và mọi người dân tham gia thực hiện các chính sách; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật), xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (tôn trọng các quy luật khách quan như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết). Thủ tướng nhắc tới những diễn biến mới trên thị trường thế giới như tình hình hệ thống ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sĩ… cho thấy có nhiều vấn đề phức tạp, khó lường, khó dự báo với hậu quả có thể kéo dài, Chính phủ các nước phải can thiệp ngay.

Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt coi con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực, động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta có truyền thống lịch sử nghìn năm và trong thế kỷ trước, chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, sau đó, phải trải qua nhiều năm cấm vận kéo dài. Nhưng nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã vượt qua các khó khăn để phát triển và đến nay chúng ta tiếp tục phải vượt qua các khó khăn, thách thức.

Thị trường lao động luôn biến đổi và vấn đề lao động, việc làm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng, là một trọng tâm của an sinh xã hội. Muốn có công ăn việc làm thì phải mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, thị trường lao động cũng luôn có những xu thế. “Trước đây, phát triển kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên là chính. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển cũng không thể thiếu tài nguyên và đất đai, nhưng phải xác định yếu tố con người là quan trọng nhất và yếu tố con người phải thích ứng với điều kiện lao động mới. Do đó, chúng ta phải có chính sách đào tạo nhân lực thích ứng với các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn”, Thủ tướng nói và khẳng định, việc định hướng nghề nghiệp phải thích ứng xu thế, hoàn cảnh là rất quan trọng.

Cùng với việc đào tạo, thì việc tự mày mò, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, đây cũng là điều nằm trong "nhiệt huyết" của thanh niên. Thủ tướng cũng lưu ý thêm, các bạn trẻ cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khả năng, vừa quyết tâm theo đuổi, vừa chuyển đổi trạng thái nhanh nhất có thể.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết thêm, hiện toàn ngành cũng đang triển khai đề án quan trọng là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo và nhiều chương trình, đề án, dự án khác với mục tiêu chung là không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc đại học với những kỹ năng, phẩm chất, năng lực.

Từ đó có thể giúp cho thanh niên, học sinh đáp ứng được yêu cầu của công việc trong lao động, trong thời đại công nghiệp 4.0.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao kết quả cuộc đối thoại; ấn tượng với những chia sẻ, suy nghĩ, trăn trở, lo toan của các đại biểu; những câu hỏi chân thành, trách nhiệm, đúng, trúng với các vấn đề quan tâm của thanh niên; và các câu trả lời, giải đáp, giải pháp để thanh niên, thế hệ trẻ Việt Nam phát triển tốt hơn, làm tốt hơn nữa công tác thanh niên trong thời gian tới đây.

Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng trước nhiệt huyết, trách nhiệm, năng lượng, sự sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam một lần nữa được thể hiện trong cuộc đối thoại rất cởi mở, chân thành.

Gửi thông điệp tới hơn 20 triệu thanh niên Việt Nam cả ở trong nước và đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng và đánh giá rất cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho sự phát triển toàn diện của thanh niên Việt Nam; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy tối đa vai trò của thanh niên, tạo thuận lợi cho thanh niên cống hiến, chia sẻ với đất nước, với dân tộc. Các thế hệ thanh niên đã đóng góp cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc tiền bối, lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và hiện nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gửi gắm, kỳ vọng, tin tưởng vào thanh niên. Thủ tướng mong muốn thanh niên phát huy hơn nữa tinh thần "5 tiên phong" gồm: Tiên phong trong học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức, bản lĩnh, ý chí trong cuộc sống và công việc; tiên phong trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng trong mọi hoàn cảnh; tiên phong trong hội nhập quốc tế để bạn bè quốc tế thấy thanh niên Việt Nam không thua kém bất cứ nước nào về ý chí, trí tuệ, phẩm chất, tình cảm, sự chân thành; tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, các tổ chức phản động, các thông tin xấu độc.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành luôn đối thoại, trao đổi để tìm giải pháp hiệu quả nhất, khuyến khích sự cống hiến không mệt mỏi của thanh niên. 

Dưới đây là một số hình ảnh tại cuộc Đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0"

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới dự Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới dự Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đất nước ta đang thực hiện khát vọng lớn tới năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thông tin về những giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên, nhà khoa học trẻ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thông tin về những giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên, nhà khoa học trẻ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi, chia sẻ với các bạn thanh niên tại đối thoại.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao đổi, chia sẻ với các bạn thanh niên tại đối thoại.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Các doanh nghiệp, những người làm văn hoá đã nỗ lực đưa nền công nghiệp văn hoá Việt Nam có điều kiện hội nhập và phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Các doanh nghiệp, những người làm văn hoá đã nỗ lực đưa nền công nghiệp văn hoá Việt Nam có điều kiện hội nhập và phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tại Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tại Hội nghị đối thoại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Nếu chúng ta có khát vọng, tâm sáng, trái tim lửa, chắc chắn mỗi ngày mới là một ngày tràn đầy năng lượng với tất cả chúng ta - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Nếu chúng ta có khát vọng, tâm sáng, trái tim lửa, chắc chắn mỗi ngày mới là một ngày tràn đầy năng lượng với tất cả chúng ta - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Không gian mạng là một không gian sống của chúng ta, nên tất cả phải chung tay làm cho không gian này lành mạnh, trong sạch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Không gian mạng là một không gian sống của chúng ta, nên tất cả phải chung tay làm cho không gian này lành mạnh, trong sạch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc