10:51 16/07/2015

Thủ tướng: Hội nhập kinh tế, con đường Việt Nam phải đi

Nguyễn Lê

Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp hạn chế rủi ro khi hội nhập kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hôm 4/7 vừa qua. Việt - Nhật đã tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai bên sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán và ký TPP trong thời gian tới - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hôm 4/7 vừa qua. Việt - Nhật đã tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai bên sẽ nỗ lực cùng các thành viên khác sớm kết thúc đàm phán và ký TPP trong thời gian tới - Ảnh: Reuters.
Xét trên bức tranh lớn, tác động tổng thể và cộng hưởng của các hiệp định FTA là tích cực, Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về các giải pháp hạn chế rủi ro khi hội nhập kinh tế, tại văn bản đề ngày 14/7/2015.

Ở phiếu chất vấn, đại biểu Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề, hiện nay Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương và cuối năm nay sẽ mở cửa thị trường hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có thị trường lao động. Người dân rất quan tâm.

Đại biểu Thúy đề nghị Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị giải pháp gì để hạn chế rủi ro khi hàng hóa, doanh nghiệp, lao động nước ngoài tự do vào Việt Nam?

Liệu có tránh được tình trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đình đốn, hàng hóa nội địa bị ế ẩm, lao động trong nước gia tăng thất nghiệp?

Tại văn bản trả lời, Thủ tướng nêu rõ, các hoạt động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế như việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN, ký kết hai hiệp định FTA song phương với Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hàn Quốc, đàm phán TPP… luôn mang lại cả lợi ích và thách thức.

Theo Thủ tướng, trong quá trình đàm phán về việc thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu, Việt Nam đã cố gắng yêu cầu có lộ trình cắt giảm thuế dài nhất có thể, cụ thể là kéo dài đến năm 2015, một số mặt hàng nhạy cảm được linh hoạt đến 2018.

Trong khi các nước ASEAN 6 đã cơ bản hoàn tất lộ trình vào năm 2010 với mức độ tự do hóa tới 99% biểu thuế.

“Như vậy, doanh nghiệp đã có thời gian để chuẩn bị cho thách thức”, Thủ tướng hồi âm đại biểu.

Điểm đáng lưu ý khác được người trả lời chất vấn đề cập, là khi hội nhập sức ép cạnh tranh trong mỗi ngành hàng là khác nhau, thậm chí ngay trong cùng một ngành hàng thì sức ép cạnh tranh với từng doanh nghiệp cũng có thể khác nhau.

Ví dụ, một số mặt hàng nông sản có thể phải cạnh tranh mạnh hơn với hàng hóa tương đồng đến từ các nước ASEAN, trong khi đó mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực dệt may có thể không quá gắt gao do sản phẩm từ các đối tác EU thuộc phân khúc cao cấp.

Ngược lại, nhiều loại đầu vào như máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu lại là hàng hóa Việt Nam rất cần để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Một số đối tác trong FTA có cơ cấu hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, sản phẩm công nghệ cao sẽ mang tính bổ sung cho nền kinh tế Việt Nam hơn là cạnh tranh với sản xuất trong nước.

“Quan trọng hơn, đây là con đường Việt Nam phải đi qua để đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh điểm đáng lưu ý cuối cùng, khi Việt Nam hội nhập kinh tế.

Những lợi ích lớn từ tác động tổng thể và cộng hưởng của các hiệp định FTA cũng được người đứng đầu Chính phủ khái quát.

Như, giúp Việt Nam thiết lập và củng cố trạng thái cân bằng động trong quan hệ với các đối tác, tránh phụ thuộc sâu vào một thị trường hay một khu vực thị trường cụ thể.

Mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà Việt Nam có thể mạnh, từ đó giúp giải quyết các vấn đề liên quan như lao động, việc làm…

Bên cạnh đó, tác động tổng thể và cộng hưởng của các hiệp định FTA, theo Thủ tướng, còn tạo thêm động lực cải cách thể chế, giúp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch và thúc đẩy đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.