11:17 08/12/2016

Thủ tướng lo chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ trở lại

Duy Cường - Bạch Dương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016.
Thế giới và khu vực đang phải đối mặt với những thách thức to lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016, diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội.

Đây là năm thứ 3 Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN được tổ chức, nhưng là năm đầu tiên quy tụ các nhà lãnh đạo ASEAN trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, cơ quan chính phủ có mặt tại Việt Nam tham dự.

Chủ đề chính của hội nghị lần này là đánh giá về những chính sách trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chính sách trong khu vực hiện tại, giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam và ASEAN, thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nói, trong tầm nhìn đến 2025, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN quyết tâm tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn nữa liên kết ASEAN, xây dựng một cộng đồng ASEAN vận hành theo luật lệ thực sự hướng tới người dân, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích cho người dân; có quan hệ rộng mở với các đối tác có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở cả trong khu vực và toàn cầu.

"Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, luôn luôn tích cực tham gia xây dựng ASEAN lớn mạnh, gắn kết", Thủ tướng nói. "Đồng thời, chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN và sự hợp tác có hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư ASEAN và các đối tác đối với tiến trình đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam”.
 
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình, có dân số hơn 90 triệu người, có nền kinh tế năng động.

Năm 2016, tăng trưởng GDP ước đạt 6,3%, bình quân giai đoạn ‎2016-2020 sẽ tăng 6,5 đến 7%; thương mại có độ mở cao với tổng kim ngạch 2016 gấp 1,7 lần GDP, ước đạt 360 tỷ USD. Tại Việt Nam đang có 22.000 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với tổng vốn 300 tỷ USD.

Bên cạnh là thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) có độ mở tiêu chuẩn cao, mở ra không gian hợp tác với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có các nước G7, 15/20 nước thuộc nhóm G20.

Đáng chú ý, Thủ tướng đánh giá, thế giới và khu vực đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại…

Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc hình thành Cộng đồng ASEAN, các khối thương mại tự do quy mô lớn tiêu chuẩn cao…

"Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN đoàn kết đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông và liên kết mềm nhằm tạo thuận lợi cho lưu chuyển hàng thương mại, đầu tư và dịch vụ qua biên giới, xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả", Thủ tướng nói.