11:36 17/03/2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Australia

Ngô Trang

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Tony Abbott tại Thủ đô Canbera vào 18/3/2015

Đại diện bang New South Wales đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam tại sân bay.
Đại diện bang New South Wales đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam tại sân bay.
Tối 16/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân và lãnh đạo một số bộ ngành đã tới thành phố Sydney, bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia theo lời mời của Thủ tướng Tony Abbott.

Chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ “đối tác toàn diện” với Australia; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và  nhu cầu như nông nghiệp, giáo dục, khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến, tài chính, ngân hàng, dịch vụ…

Tại Sydney, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp và hội kiến với toàn quyền Australia, Thống đốc bang New South Wales và gặp với giới lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Australia trước khi tham dự lễ đón chính thức và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Tony Abbott tại Thủ đô Canbera vào 18/3/2015.

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và đến năm 2009, hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác toàn diện.

Việt Nam là bạn hàng thứ 15 của Australia và Australia là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều tăng trưởng khá cao với mức trên 10% trong suốt 10 năm qua, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 5,1 tỷ USD năm 2013 và đạt xấp xỉ 6 tỷ USD năm 2014.

Australia hiện có 320 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,65 tỷ USD, đứng thứ 19/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị gần 140 triệu USD, nổi bật là các dự án về công nghiệp chế biến, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Australia duy trì đều đặn viện trợ ODA cho Việt Nam, đạt trung bình trên 130 triệu AUD/năm.

Ngoài ra, hai bên đã hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp, du lịch…