Thủ tướng Nhật Bản: “Không nên coi đồ nhựa là kẻ thù”
“Chúng ta không nên coi đồ nhựa là kẻ thù hay kỳ thị việc sử dụng đồ nhựa”, ông Abe nói
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên tiếng bảo vệ đồ nhựa, trong lúc phần lớn các quốc gia trên thế giới tìm cách hạn chế sử dụng đồ nhựa vì những mối lo liên quan đến môi trường.
"Chúng ta không nên coi đồ nhựa là kẻ thù hay kỳ thị việc sử dụng đồ nhựa", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Abe phát biểu ngày 6/10 tại một cuộc họp của Diễn đàn Khoa học và Công nghệ trong xã hội (STSF) diễn ra ở Kyoto. "Việc cần thiết là quản lý rác thải nhựa một cách phù hợp và tìm ra giải pháp thông qua sáng tạo".
Theo dữ liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), nước này là quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa lớn thứ ba thế giới. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát của Bộ Môi trường Nhật Bản, các bãi chứa rác thải của nước này đã trở nên lớn hơn kể từ khi Trung Quốc bắt đầu dừng nhập rác thải nhựa vào năm ngoái.
Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) diễn ra ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6, lãnh đạo các nước thành viên đã đưa ra cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong đại dương. Nói về cam kết này, ông Abe nói: "Có một điều tôi lấy làm vui mừng là cam kết này có nói rõ về vai trò quan trọng của đồ nhựa trong xã hội".
"Chúng ta nên tự hào về những phát kiến vĩ đại của thế kỷ 20", ông Abe nhấn mạnh. "Đồ nhựa là một trong những phát minh đó, và nếu không có đồ nhựa, chúng ta sẽ không thể đóng hộp thực phẩm tươi sống dưới dạng tiện lợi để xếp trong kệ hàng của siêu thị".
Nhật Bản là quốc gia có mức độ sử dụng đồ nhựa dùng một lần bình quân đầu người lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Nhật Bản cũng đi sau so với nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển trên phương diện điều tiết sử dụng đồ nhựa dùng một lần, JETRO cho hay.
Chẳng hạn, ông hút nhựa và dao, đĩa bằng nhựa sẽ bị cấm hoàn toàn ở Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2021. Ấn Độ mới đây cũng mở một chiến dịch giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Các công ty toàn cầu hiện đang có sự phản hồi trước sức ép của người tiêu dùng về vấn đề rác thải nhựa, trong đó Unilever đã hứa sẽ giảm một nửa lượng nhựa mới mà công ty sử dụng.
Cũng theo JETRO, Nhật Bản xuất khẩu hơn 1 triệu tấn rác thải nhựa trong 2018, trong đó Malaysia và Thái Lan là hai thị trường nhập rác nhựa lớn nhất từ Nhật.