08:26 30/12/2016

Thủ tướng: “Phải xử lý cả người tham mưu sai”

Song Hà

Thủ tướng giao 30 nhóm nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương để thực hiện bằng được mục tiêu kinh tế - xã hội 2017

Thủ tướng yêu cầu trong năm tới phải kiên quyết chống lợi ích nhóm, phải
 phát động trong toàn xã hội một phong trào tiết kiệm rộng rãi, tránh xa
 hoa lãng phí, phô trương hình thức.
Thủ tướng yêu cầu trong năm tới phải kiên quyết chống lợi ích nhóm, phải phát động trong toàn xã hội một phong trào tiết kiệm rộng rãi, tránh xa hoa lãng phí, phô trương hình thức.
Nhận định năm 2017 sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, Thủ tướng đã vạch ra 30 công việc, nhiệm vụ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải nỗ lực hết mình mới mong đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã thông qua cho năm tới.

Trong phần kết luận phiên họp tổng kết năm 2016 của Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại một số hạn chế của kinh tế - xã hội trong năm 2016 và nêu định hướng điều hành năm 2017.

Dự án nghìn tỷ thua lỗ không chỉ 12

Theo Thủ tướng, dù đạt được những kết quả nhất định, song nền kinh tế trong năm 2016 cũng tồn tại một số hạn chế đáng quan tâm. Cụ thể là nợ công hiện đã sát trần, nếu tính đầy đủ thì đã vượt trần cho phép. Nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém rất khó khăn...

Về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết không phải chỉ có 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ mà còn nhiều dự án khác, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp còn thấp, hiệu quả điều hành chưa cao, kỷ cương kỷ luật chưa nghiêm. Trong trung hạn và dài hạn thì nợ xấu và nợ công vẫn là vấn đề lớn.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu cả hệ thống không đổi mới cải cách, không khắc phục thì sẽ tụt hậu.

Định hướng về điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội 2017, Thủ tướng đề nghị tập trung vào 30 nhiệm vụ, công việc quan trọng, trong đó yêu cầu người đứng đầu phải nỗ lực và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn, lạm phát dưới 4%, không để bị động bất ngờ xảy ra…

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các cấp ngành, địa phương phải vượt qua tư duy cục bộ, tư duy nhiệm kỳ. Các ngành, lĩnh vực phải nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…Tuy nhiên, Chính phủ không chủ trương tăng trưởng bằng mọi giá mà phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương cũng được yêu cầu tập trung tháo gỡ thể chế chính sách, sớm phát hiện trình Chính phủ, Thủ tướng những quy định nào kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu trong năm tới phải kiên quyết chống lợi ích nhóm, phải phát động trong toàn xã hội một phong trào tiết kiệm rộng rãi, tránh xa hoa lãng phí, phô trương hình thức.

Cùng với đó là phải củng cố niềm tin vào đồng tiền Việt Nam, đảm bảo sức mua của đồng tiền trong trung và dài hạn.

Đặc biệt, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất hạ lãi suất cho nền kinh tế trong năm tới. Bởi, theo Thủ tướng, số dư nợ của nền kinh tế trên 5 triệu tỷ đồng, nợ công trên 3 triệu tỷ thì hạ lãi suất là rất có ý nghĩa. Ngành ngân hàng cũng phải quyết liệt xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Tiêu từng đồng của dân phải nghĩ

Các bộ ngành kinh tế, giao thương được giao nhiệm vụ tập trung phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, tránh tình trạng thua ngay trên sân nhà. Phấn đấu nâng hạn quốc tế về môi trường kinh doanh. Nghiên cứu, xem xét các biện pháp nhằm khuyến khích hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay thành doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc tập trung phát triển hạ tầng, trong đó có một số dự án trọng điểm với tinh thần là kết hợp vốn ngân sách kết hợp xã hội hóa, PPP…

Một số bộ ngành được giao nhiệm vụ khẩn trương chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước bởi hiện cổ phần hóa còn rất thấp. Trong quá trình này, Thủ tướng yêu cầu không để thất thoát, tham nhũng xảy ra. Cùng với đó là kiên quyết xử lý các dự án nghìn tỷ thua lỗ.

“Dứt khoát chúng ta phải tập trung xử lý nợ xấu, nợ công, phải tiết kiệm từng đồng bạc của dân, khi tiêu một đồng của dân cũng phải suy nghĩ sao cho xứng đáng, sao cho hiệu quả”, Thủ tướng nói.

Nói về trách nhiệm của cá nhân phụ trách, người đứng đầu, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đơn vị, Thủ tướng nhấn mạnh nếu để xảy ra sai sót, thất thoát hay tham ô, tham nhũng thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cả người tham mưu.

“Tham mưu sai, tham mưu tiếp tay cho tiêu cực tham nhũng, đưa dự án không đúng để hậu quả lại cho nhà nước thì phải xử lý”, Thủ tướng chỉ đạo.

Một số nhiệm vụ khác cũng được Thủ tướng giao cho các bộ ngành, địa phương phải đốc thúc thực hiện, trong đó có việc đẩy mạnh giao quyền tự chủ dịch vụ công cho doanh nghiệp, xã hội hóa các công việc, dự án nhà nước không đủ nguồn lực hoặc không cần thiết phải nắm giữ.

“Khái quát lại là chúng ta phải đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới nông nghiệp, quyết tâm đưa ngành du lịch thành kinh tế mũi nhọn. Mục tiêu cuối cùng là phải lo cho dân, không được để dân đói, dân thất học…”, Thủ tướng kết luận.