08:03 27/12/2016

Thủ tướng: “Thể chế do chúng ta nghĩ ra mà lại sợ nó”

Song Hà

Thủ tướng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của ngành nông nghiệp cần khắc phục thời gian tới

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng Interet cao 
nhất thế giới, thế nhưng với người nông dân, kiến thức về thương mại 
điện tử còn rất hạn chế.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng Interet cao nhất thế giới, thế nhưng với người nông dân, kiến thức về thương mại điện tử còn rất hạn chế.
“Thể chế do chúng ta nghĩ ra nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị tổng kết 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 26/12.

“Sản xuất li ti còn phổ biến”

Sau khi biểu dương những thành quả của ngành nông nghiệp năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, năm 2016, thiên tai xảy ra nhiều và nặng nề làm cho nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD (gần 1% GDP). Riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đánh giá nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đóng góp lớn cho an sinh xã hội, Thủ tướng nêu các mặt tồn tại, bất cập của nông nghiệp, nông thôn cần khắc phục thời gian tới. Đó là chưa có tích tụ ruộng đất, “sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến”.

Doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp. Tình trạng an toàn thực phẩm, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn nhiều vấn đề bất cập, chưa quản lý tốt.

Hệ thống thủy lợi, nhất là các kênh dẫn, hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và lãng phí nước, mà theo Thủ tướng, đây là những “quả bom” nguy hiểm đang treo trên đầu người dân.

Đề cập đến tình trạng phá rừng còn phổ biến, Thủ tướng nhắc lại chủ trương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và yêu cầu mở đợt tấn công liên tục vào hành vi phá hoại rừng, xử lý nghiêm vi phạm.

Đặt vấn đề tầm nhìn về nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, trước hết, nông nghiệp là một thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên mạnh thế mạnh về du lịch và công nghệ thông tin.

Đây là một lợi thế so sánh mà theo Thủ tướng, có phát huy được hay không là dựa phần lớn vào hệ thống ngành nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam cần chú trọng giá trị hơn là sản lượng thô, không có thương hiệu. Với điều kiện “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, phải phát triển nông nghiệp toàn diện hơn, đầu tư mạnh hơn cho lâm nghiệp, thủy hải sản, không chỉ dựa vào cây lúa.

Nhấn mạnh thương mại điện tử trong nông nghiệp chưa phát triển, người đứng đầu Chính phủ nói, hệ thống thương mại điện tử Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã giúp rất nhiều nông dân Trung Quốc giàu lên nhờ vào nông nghiệp. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng Interet cao nhất thế giới, thế nhưng với người nông dân, kiến thức về thương mại điện tử còn rất hạn chế.

Đề xuất sửa luật để tích tụ đất nông nghiệp

Về các giải pháp, Thủ tướng nêu rõ: “Vừa phải lắng nghe người nông dân, vừa phải nghiên cứu xu hướng của thời đại trong phát triển nông nghiệp”.

Đối với các địa phương, ngay sau hội nghị này, phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp với yêu cầu “không được tái cơ cấu trên giấy, tái cơ cấu nửa vời”.

“Những thể chế nào, chính sách nào mà ràng buộc nông nghiệp, nông thôn không phát triển được, hoặc chậm phát triển, Thủ tướng yêu cầu bãi bỏ, nhất là những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì càng phải bãi bỏ sớm, còn những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, của Trung ương, của Quốc hội thì báo cáo sớm”, ông nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và giao một số bộ ngành liên quan cùng tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tăng hạn mức; sửa quy định về tài sản thế chấp, cho phép doanh nghiệp được sử dụng tài sản là nhà lưới, nhà kính được hình thành trong quá trình đầu tư làm tài sản thế chấp.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được năm 2016, là tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm (tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%) năm 2016; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tăng trưởng ngành khoảng 2,5 - 2,8%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32 - 32,5 tỷ USD.