Thủ tướng: "Việt Nam phải trở thành nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành phải cắt giảm các điều kiện kinh doanh, không ôm giữ những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình.
Như VnEconomy đã đưa tin, ngày 24/7, Hội nghị Thúc đẩy cơ chế một cửa Quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, muốn hội nhập sâu rộng, tăng xuất khẩu tốt hơn nữa trong thời gian tới thì thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia là rất quan trọng, bởi cơ chế một cửa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Mục đích của Chính phủ là tiếp tục tạo điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho mọi đối tượng, kể doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp tư nhân trong nước, chính vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần phải rà soát, xem xét lại để làm tốt hơn, phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn", Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, từ nay đến hết năm 2018, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải hoàn thành việc kết nối tối thiểu 130 thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại. Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
"Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại hội nghị để nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện các dự thảo văn bản tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.
Tiến tới, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại từ nay đến năm 2020 trong tháng 8/2018. Trong tháng 9/2018, các Bộ, ngành hoàn thành việc ban hành kế hoạch hành động chi tiết của Bộ, ngành mình.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu trong tháng 9 năm 2018.
Đối với các Bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
"Công tác hậu kiểm của chúng ta hiện nay còn thấp, áp dụng công nghệ ở ngành, đơn vị chưa được chú trọng. Kiểm tra chuyên ngành chưa làm rõ khái niệm, nội hàm, quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm tra chuyên ngành đúng mức... Không được dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ lưu thông hàng hóa. Còn vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện phải rõ ràng", Thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính, cơ quan thường trực định kỳ 6 tháng (hoặc đột xuất khi có yêu cầu), báo cáo Ủy ban Chỉ đạo 1899 về tình hình thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong phạm vi toàn quốc.
"Nói trên này nhưng dưới không hành động, tham nhũng, bắt doanh nghiệp đi lại nhiều lần, họ kêu nhiều lắm đấy. Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.