06:00 02/12/2022

Thủ tướng: Chống khai thác IUU vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh đất nước

Chương Phượng

Xét về tổng thể, chưa đáp ứng được yêu cầu để gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Những tồn tại, hạn chế trong chống IUU không chỉ từ nhận thức của người dân mà còn có sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao...

Thủ tướng: "Khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU.
Thủ tướng: "Khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU.

Chiều 01/12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng với 28 tỉnh, thành phố ven biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới hơn 600 điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn, huyện, thị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

VÌ SAO EC CHƯA GỠ “THẺ VÀNG”?

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tình hình chống khai thác IUU sau 5 năm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo "thẻ vàng" đã có những chuyển biến tích cực và đã được Đoàn Thanh tra của EC ghi nhận, đánh giá và khuyến nghị tại đợt thanh tra lần thứ 3 vừa qua.

Điểm cầu chủ trì tại Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VPG.
Điểm cầu chủ trì tại Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VPG.

Theo đó, EC ghi nhận tình hình chống khai thác IUU tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với lần thanh tra thực tế lần thứ 2 vào năm 2019.

Đó là, đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được cải thiện và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

"Các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, cần phối hợp với kiểm ngư tăng cường tuần tra việc chấp pháp của tàu cá trên biển. Đề nghị Các địa phương phối hợp để kiểm soát xử lý ngư dân sai phạm; các doanh nghiệp kiên quyết không thu mua sản phẩm thủy hải sản do khai thác bất hợp pháp, không theo quy định..."

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khiến Đoàn Thanh tra của EC chưa hài lòng. Đó là, đội tàu của Việt Nam vẫn lớn so với lượng nguồn lợi, việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến, nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng còn chưa chặt chẽ, tỉ lệ giám sát sản lượng lên bến còn thấp. Việc ghi, nộp và chất lượng nhật ký khai thác chưa đạt yêu cầu.

Cùng với đó, việc thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại; chưa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam bằng tàu container để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài châu Âu dẫn tới rủi ro vi phạm IUU.

Nguy cơ xảy ra tình trạng nguyên liệu thô trong nước và nước ngoài được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp...

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng ý thức của một bộ phận người dân vẫn hạn chế; tư tưởng vì lợi ích trước mắt còn cao, trong khi chế tài xử phạt của ta còn thấp; quy định về gắn giám sát hành trình còn có kẽ hở; việc kiểm soát hoạt động khai thác thủy hải sản của ngư dân khó khăn do phạm vi hoạt động rộng...

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG 180 NGÀY

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong chống IUU không chỉ nguyên nhân từ nhận thức của người dân mà còn có sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các tồn tại, hạn chế kéo dài chậm khắc phục tại nhiều địa phương do thiếu sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; nhiều nơi chưa có giải pháp lâu dài, tạo sinh kế cho người dân...

"Phải nhận thức rằng việc chống IUU không phải chỉ là hình thức, đối phó mà vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân, giữ hình ảnh đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

"Cán bộ phải lăn lộn với cơ sở; tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống với dân và nếu tỉnh, huyện xuống với dân thì càng tốt; lo cuộc sống của người dân như cuộc sống của mình thì mới giải quyết được".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình; rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cơ cấu lại các khoản vay của ngư dân để xử lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý.

Đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các nghị định, thông tư, các quy định, văn bản pháp luật để phát hiện những vướng mắc, kẽ hở để điều chỉnh phù hợp, sát thực tế. Đặc biệt, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau cùng thực hiện chống IUU.

“Các văn bản phải có tính chất pháp quy để thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; phổ biến cho người dân; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả; hàng tháng phải kiểm điểm những việc đã làm được, chưa làm được và rút kinh nghiệm, thúc đẩy công việc cho thời gian tiếp theo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động quốc tế chia sẻ trong vấn đề này vì Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị công nghệ trong hoạt động khai thác.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần hợp tác với người dân để mở rộng thị trường, tạo sinh kế. Ngân hàng Nhà nước quan tâm, chỉ đạo xử lý các vấn đề về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ một cách cụ thể. Đối với ngư dân, phải giáo dục ý thức, tạo cơ hội cho thực hiện các nghĩa vụ, tạo việc làm, sinh kế lâu dài.

"Đảng, Nhà nước ta không có mục đích nào khác là đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng. Do đó, mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cán bộ phải làm việc bằng cả trái tim của mình, tránh bệnh hời hợt, hình thức, quan liêu, không đánh trống bỏ dùi", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, thành phố, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, người dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá.

Bên cạnh đó xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU với việc đánh giá tình hình khai thác, nuôi trồng; xây dựng các quy hoạch; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân...