Thua lỗ lớn, thêm “đại gia” bán lẻ ngoại rút khỏi thị trường Việt
Sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường bán lẻ dự kiến có quy mô 180 tỷ USD vào năm 2020 khiến một số đại gia bán lẻ phải "tháo chạy", một số thì ngày càng thua lỗ
Hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2015. Hiện hệ thống này có 18 siêu thị tại Hà Nội, Tp.HCM và Tây Ninh, trong đó 13 siêu thị tại Tp.HCM, bốn siêu thị đặt tại Hà Nội và một ở Tây Ninh. Theo thông tin từ Auchan, chuỗi siêu thị của Pháp có 1.000 nhân viên.
Vào Việt Nam chưa nóng chỗ nhưng Auchan đã chuân bị rút khỏi Việt Nam. Đại diện của Auchan tại Việt Nam cho biết đang tiến hành đàm phán với các đơn vị bán lẻ để tìm ra đối tác tiếp quản trong thời gian tới.
Theo tờ Les Echos của Pháp, Chủ tịch tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte cho biết đã quyết định bán 18 cửa hàng của chuỗi tại Việt Nam.
Vị này cho biết, 5 năm kinh doanh tại Việt Nam chỉ thu về 45 triệu euro (50,4 triệu USD) và vẫn đang trên đà thua lỗ.
Như vậy, Auchan là hãng phân phối phương Tây cuối cùng ở Việt Nam, sau khi Casino Group rời đi năm 2016. Cụ thể tập đoàn Casino Group cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat.
Cùng chung số phận, Parkson là thành viên của The Lion Group, thành lập từ những năm 1930 tại Malaysia. Hệ thống trung tâm thương mại của tập đoàn này có mặt không chỉ ở Malaysia mà còn mở rộng tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Myanmar, Campuchia...
Nhà bán lẻ này có mặt tại Việt Nam cuối tháng 6/2005 với trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại Tp.HCM (Parkson Lê Thánh Tôn, quận 1). Sau thời điểm đỉnh cao trong kinh doanh, Parkson thua lỗ và lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại ở các vị trí đắc địa.
Đến thời điểm hiện tại, đại gia bán lẻ đến từ Malaysia, Parkson đã dừng 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam gồm Parkson Keangnam (Hà Nội) đóng hồi tháng 1/2015, Parkson Paragon (quận 7, Tp.HCM) đóng vào tháng 5/2016, Parkson Viet Tower (Hà Nội) dừng hoạt động tháng 12/2016.
Như vậy, hệ thống Parkson tại Tp.HCM còn 4 trung tâm thương mại gồm Parkson Lê Thánh Tôn (quận 1), CT Plaza (Tân Bình), Cantavil (quận 2), Hùng Vương (quận 5). Riêng Hà Nội đã không còn sự hiện diện của hệ thống này.
Theo công bố của Parkson Retail Asia cho thấy, năm 2015, công ty mẹ Parkson Retail Asia đón nhận cú sốc tài chính lớn khi công ty thua lỗ tới gần 1.300 tỷ đồng tại Việt Nam và khiến cả tập đoàn lỗ tổng cộng 850 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ vụ huỷ hợp đồng thuê tại toà nhà Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) trước thời hạn, chi phí cho việc huỷ hợp đồng phải chi lên tới hơn 1.000 tỷ.
Năm tài chính 2016-2017, Parkson lỗ 67 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2017, Parkson lỗ 24 tỷ đồng. Niên độ tài chính của Parkson bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc vào tháng 6 năm sau.
Mới đây nhất, chuỗi bán lẻ shop&Go cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 USD. Được biết, Shop&Go được thành lập từ năm 2005, cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại Tp HCM. Sau 14 năm thành lập, hiện tại Shop&Go đang vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại Tp.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở các quận nội thành.
"Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai thác nhưng cạnh tranh rất khốc liệt chứ không đơn giản như hình dung của chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui. Chúng tôi quyết định tặng lại Shop&Go để Vingroup tiếp tục đầu tư, phát triển", đại diện của Shop&Go cho biết.
Chưa đến mức khó khăn, nhưng Aoen cũng chịu thua lỗ với khoản đầu tư vào chuỗi bán lẻ tại Việt Nam.
Đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, 2 chuỗi bán lẻ siêu thị lớn, một ở phía Bắc và một ở phía Nam của Việt Nam.
Mặc dù vậy, 2 năm sau ngày hợp tác, kết quả Fivimart và Citimart thu được là những khoản lỗ lũy kế tăng lên. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty.
Citimart cũng báo lỗ tổng cộng 123 tỷ đồng trong các năm 2015 và 2016. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 157 tỷ đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2010 mới dừng ở 88 tỷ USD thì đến 2017 là 130 tỷ USD và dự báo chạm ngưỡng 180 tỷ USD vào năm 2020. Quy mô thị trường lớn với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng thu hút đông đảo đại gia bán lẻ lớn gồm cả trong nước và nước ngoài song cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt.