19:43 25/12/2023

Thúc đẩy chuyển đổi số, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp

Chu Khôi

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức nhưng đây chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, tạo những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vị thế, uy tín, tầm vóc của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế...

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 25 đến 27/12, tại Hà Nội.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 25 đến 27/12, tại Hà Nội.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 25 đến 27/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển".

Tham dự Đại hội có 995 đại biểu chính thức, là những cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân trên cả nước. Các đại biểu nông dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về Thủ đô mang theo nhiều mong muốn, khao khát và kỳ vọng, trong số đó có nhiều người lần đầu tiên đến Thủ đô, lần đầu tiên được tham dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc.

 QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN TĂNG TRƯỞNG VƯỢT CHỈ TIÊU

Trong ngày làm việc thứ nhất, Đại hội đã bầu Đoàn chủ tịch điều hành đại hội, Đoàn thư ký, Ban thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua chương trình làm việc, quy chế làm việc của đại hội. Các đại biểu đã nghe trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII; nghe trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi; nghe thông báo Quyết định thành lập các Trung tâm thảo luận và hướng dẫn thảo luận.

Các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của đại hội, gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình đại hội, dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII và dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam.

Trong phần tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khai mạc ngày làm việc thứ nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, cho biết phiên trọng thể của đại hội sẽ diễn ra sáng 26/12. Đặc biệt, Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội. 

 

"Về tổ chức nhân sự, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) có 119 thành viên. Trong đó, đại hội sẽ bầu 33 thành viên thuộc Trung ương hội; các tỉnh, thành phố là 63 người; các bộ ngành Trung ương 6 người; khối doanh nghiệp, hiệp hội 7 người..."

Theo Hội Nông dân Việt Nam, trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội đã tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động tập hợp hội viên, nông dân và bước đầu đạt kết quả hết sức quan trọng thông qua việc thành lập các chi, tổ hội nông nghề nghiệp, các câu lạc bộ (CLB) nông dân sinh hoạt theo chuyên đề. Có thể kể đến như: CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, CLB Nông dân tỷ phú, CLB Nông dân với pháp luật, CLB nông dân với an toàn giao thông, CLB nông dân với chuyển đổi số… dựa trên nhu cầu, sở thích của nông dân để tập hợp sinh hoạt hiệu quả, thiết thực.

Điểm mới trong nhiệm kỳ qua là các cấp Hội đã chú trọng tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản, phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn, thu hút nhiều nông động trẻ tham gia. Thông qua đào tạo nghề, người nông dân không chỉ làm nông nghiệp theo hướng kinh nghiệm, truyền thống mà họ tiếp cận kỹ thuật, khoa học mới vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhiều đại biểu nữ dân tộc thiểu số từ vùng sâu vùng xa về Hà Nội dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam.
Nhiều đại biểu nữ dân tộc thiểu số từ vùng sâu vùng xa về Hà Nội dự Đại hội Hội Nông dân Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ qua, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 1.761 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5% vượt chỉ tiêu Đại hội VII, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đạt gần 5.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã hỗ trợ cho nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phát triển hàng nghìn mô hình chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên nông dân.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội đã tín chấp với các ngân hàng cho hàng triệu nông dân vay tổng số vốn đạt trên 170.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó hạn chế cho vay nặng lãi, tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

RA MẮT APP NÔNG DÂN VIỆT NAM

Trong khuôn khổ Đại hội Hội Nông dân Việt Nam toàn quốc, ngày 25/12/2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông chính thức ra mắt App Nông dân Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hồng Hải - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, chuyển đổi số đã và đang là giải pháp tích cực, khắc phục điểm yếu cố hữu của nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từ đó hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. 

Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận tạo hiệu quả cao hơn.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình mới mẻ và đầy khó khăn, thách thức nhưng đây chính là cơ hội rất lớn để người nông dân tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại, tạo những đột phá mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vị thế, uy tín, tầm vóc của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ra mắt App Nông dân Việt Nam.
Ra mắt App Nông dân Việt Nam.

Để hỗ trợ hội viên, nông dân bắt kịp với xu thế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông giai đoạn 2023–2028. 

App Nông dân Việt Nam có các mục chính như: "Chức năng công tác Hội" giúp các hội viên nắm bắt các chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động Hội Nông dân. Mục "Đại hội" sẽ hiển thị vào mỗi nhiệm kỳ đại hội, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết cho đại hội bao gồm: chương trình, nội dung đại hội, danh sách đại biểu, các văn bản, tài liệu hướng dẫn…

 

"Qua 10 tháng hợp tác, có rất nhiều kết quả đã đạt được. Đặc biệt, đã xây dựng và hoàn thành nền tảng số, app Nông dân Việt Nam. Đây là nền tảng đột phá dành riêng cho hội viên Hội Nông dân Việt Nam, app cũng được vi như một “trợ lý ảo” của hàng triệu hộ nông dân hội viên".

Ông Nguyễn Hồng Hải - Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Mục "Quản lý hội viên" giúp các cán bộ có thể duyệt hội viên online mà không cần giấy tờ thủ tục phức tạp. Ngoài ra, app Nông dân Việt Nam còn cung cấp cho hội viên bộ hỏi đáp về tư vấn pháp luật, chính sách vay vốn.

Chức năng "Tin nhắn" là công cụ hỗ trợ hội viên kết nối, giao tiếp, chia sẻ, làm việc trực tuyến thuận lợi và bảo mật. Chức năng này đáp ứng nhu cầu trò chuyện cá nhân, trò chuyện theo nhóm, dễ dàng giao lưu, trao đổi thông tin với nhau. Đồng thời, có thể chia sẻ các nội dung đa phương tiện dưới dạng hình ảnh, video, các định dạng tài liệu.

Chức năng "Cộng đồng" tạo ra mạng lưới các hội viên, đem đến không gian sinh hoạt chính thống cho các hội nhóm trong tổ chức.

Chức năng "Bản tin" giúp hội viên cập nhật thông tin 24/7 các tin tức chính thống và mới nhất từ Hội. Cùng với đó còn có chức năng tin đặc biệt khảo sát, giúp lãnh đạo Hội tạo các câu hỏi khảo sát, bình chọn đẩy lên bảng tin, hỗ trợ các hội nông dân trong công tác thu thập ý kiến, tiếp nhận các đóng góp, phản hồi của hội viên.

Chức năng "Khám phá" có thể thanh toán trực tuyến, dự báo thời tiết và khuyến cáo nông vụ chính xác, tìm các sản phẩm OCOP, cộng tác viên bán hàng, mua sắm…