Thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng năng lượng sạch
Apple gây áp lực lên hơn 200 nhà cung cấp để sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất, tương đương với cam kết gần 3000 gigawatt năng lượng tái tạo dùng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm Apple…
Áp lực từ người mua, người tiêu dùng hiện nay trên thế giới, đặc biệt áp lực để đạt được trung hòa carbon và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050... đòi hỏi Việt Nam cần triển khai năng lượng sạch hơn với tốc độ và quy mô chưa từng có. Chẳng hạn, đến năm 2050, Việt Nam cần gấp 20 lần sản lượng điện mặt trời và 15 lần sản lượng điện gió của năm 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Chuỗi cung ứng năng lượng sạch từ sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng từ các nguồn tái tạo và ít phát thải carbon, nhằm mục đích giảm thiểu tác động đến môi trường và thúc đẩy tính bền vững… đóng vai trò then chốt cho chuyển đổi năng lượng thành công
4 YẾU TỐ ĐE DOẠ SỰ ỔN ĐỊNH
Tuy nhiên, tại diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam", TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics thuộc Đại học RMIT, cho rằng hiện nay có 4 mối đe dọa đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng năng lượng sạch.
Thứ nhất, mức độ trưởng thành của công nghệ, các cam kết chính sách, tình trạng thiếu hụt đầu tư và tài trợ, các yêu cầu môi trường khắt khe như áp lực từ khách hàng yêu cầu cần triển khai giải pháp năng lượng xanh và cam kết chính sách.
Trong nhiều lĩnh vực năng lượng, các công nghệ đã đạt đến các mức độ trưởng thành khác nhau, tác động đến cách quản lý và cung cấp năng lượng. Các công nghệ khai thác năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã trưởng thành đáng kể.
Ví dụ, hiệu quả của các tấm pin mặt trời đã được cải thiện và chi phí của tua-bin gió đã giảm, khiến các nguồn này dần cạnh tranh hơn với nhiên liệu hóa thạch. Ngành công nghiệp than và điện đã đạt đến độ trưởng thành và đòi hỏi phải tối ưu hóa quy mô lớn và nâng cao hiệu quả.
Thứ hai, áp lực về nguồn lực tài chính trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch phát sinh từ nhu cầu đầu tư vốn đáng kể để phát triển, triển khai và mở rộng quy mô các công nghệ hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững. Những áp lực này có thể ảnh hưởng đến nhiều giai đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng năng lượng sạch, bao gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất và triển khai cơ sở hạ tầng.
Các dự án năng lượng sạch, chẳng hạn như trang trại năng lượng mặt trời, công viên điện gió và cơ sở sản xuất pin, thường đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu đáng kể. Việc đảm bảo nguồn lực tài chính có thể là một thách thức, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp và các công ty nhỏ. Tuy nhiên, họ có thể tích hợp vào các hệ sinh thái hợp tác, như là tài chính dựa vào chuỗi cung ứng.
Thứ ba, áp lực xanh đến những nhà dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc phổ biến và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Ví dụ, Apple đã công bố kế hoạch trung hòa carbon trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, chuỗi cung ứng sản xuất và vòng đời sản phẩm của họ vào năm 2030.
Apple gây áp lực lên hơn 200 nhà cung cấp để sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất, tương đương với cam kết gần 3000 gigawatt năng lượng tái tạo dùng trong hoạt động sản xuất các sản phẩm Apple. Doanh nghiệp này cũng đã phát triển một số sáng kiến cung ứng như Quỹ Xanh Hoa Kỳ-Trung Quốc, nhằm đẩy nhanh hiệu quả năng lượng tại các nhà cung cấp của Apple, thử nghiệm các tiêu chuẩn mới và giám sát các quy trình phát triển nguồn cung.
Thứ tư, các cam kết về chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Các chính sách mạnh mẽ và nhất quán có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư, đổi mới và mở rộng quy mô các công nghệ năng lượng tái tạo. Việt Nam đã xây dựng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ phù hợp với các sứ mệnh Net Zero (Phát thải ròng bằng không).
Tuy nhiên, việc định vị và xác định ý nghĩa chiến lược của những cam kết này sẽ cần trải qua các giai đoạn phù hợp với sự tích lũy của nhu cầu về năng lượng để việc chuyển dịch được bền vững.
3 BƯỚC TIẾP CẬN CHUỖI CUNG ỨNG
“Chúng tôi khuyến nghị các ngành công nghiệp nên định vị chuỗi cung ứng của họ theo các chiều hướng trên và xác định nguồn lực, thông lệ triển khai phù hợp”, ông Hùng nhấn mạnh, và cho biết phương pháp tiếp cận tiềm năng này bao gồm 3 bước: hợp tác quốc tế; phát triển và thống nhất các tiêu chuẩn; giám sát nhất quán.
Thứ nhất, hợp tác quốc tế rất quan trọng để hỗ trợ chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Các dự án xanh thường đòi hỏi nhiều nguồn lực mà một doanh nghiệp riêng lẻ không thể và không nên tự mình thực hiện. Việc xác định chuỗi cung ứng cụ thể, rồi xây dựng kế hoạch hợp tác để chia sẻ rủi ro, nguồn lực và kiến thức là rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Hợp tác quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp chuyển từ giai đoạn Phản ứng sang Kiểm tra nguồn cung, tiêu chuẩn mới, tiếp đến là Chuẩn hóa cơ sở cung ứng, đảm bảo thông tin và kiến thức đầy đủ hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
Thứ hai, phát triển các tiêu chuẩn thống nhất. Đối với điện mặt trời và điện gió, Việt Nam đã khởi xướng, xây dựng một số quy định và tiêu chuẩn, học hỏi từ các hoạt động hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, sự không thống nhất và thiếu kiến thức hợp tác đã dẫn đến việc doanh nghiệp rút lui khỏi một số dự án điện gió và điện mặt trời quan trọng gần đây. Vì vậy, việc phát triển hoặc tham gia vào các nền tảng chung về tiêu chuẩn và thông lệ có thể giảm rủi ro cho các dự án mở rộng quy mô ở cấp độ cao hơn.
Đơn cử, tiến trình chuyển đổi năng lượng tại các cảng của Việt Nam cũng được chú ý hơn kể từ khi Việt Nam xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn cơ bản cho tiêu chí cảng xanh và tích hợp cảng Tân Cảng – Cát Lái vào Mạng lưới dịch vụ cảng của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với tư cách là Cảng xanh vào năm 2018, tiếp theo là cảng Tân Cảng – Cái Mép vào năm 2021.
Trong lĩnh vực sản xuất, Việt Nam đã đánh giá cao tầm quan trọng của Clean Energy Buyers Association (Hiệp hội Người mua năng lượng sạch), đảm bảo sự thống nhất của các tiêu chuẩn và tiếp cận các thị trường tiềm năng lớn hơn.
Thứ ba, các biện pháp can thiệp giám sát nhất quán ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế là rất quan trọng để duy trì kết nối chuỗi cung ứng và hiệu quả hoạt động. Điều này đòi hỏi phải nêu cao các mục tiêu và mục đích rõ ràng, xây dựng công tác giám sát nội bộ các hoạt động năng lượng sạch và giám sát các nguồn cung. Hành động này cho phép thực hiện các chính sách thúc đẩy tính minh bạch, công bằng và toàn diện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Trong đó, bao gồm việc thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động chuỗi cung ứng có đạo đức, khuyến khích khai thác khoáng sản bền vững và đảm bảo rằng các lợi ích của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo được chia sẻ một cách công bằng.