17:20 13/12/2022

Thúc đẩy thị trường tiêu dùng Việt phát triển minh bạch và bền vững

Thu Hằng

Cả khán phòng lặng đi thưởng thức tiếng đàn từ cây dương cầm tự động Steinway &Sons vô cùng đặc biệt. Mở đầu là nhạc phẩm “I want us to be together” được trình diễn trực tuyến bởi nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới Li Quan. Sau đó là ca khúc huyền thoại  “Ave Maria” được trình diễn bởi ca sỹ opera Đào Tố Loan ngay tại khán phòng, nhạc đệm do cây đàn tự động chơi nhờ công nghệ AL…

Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm phát biểu tại chương trình. Ảnh - Chu Xuân Khoa.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm phát biểu tại chương trình. Ảnh - Chu Xuân Khoa.

Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2022 mở đầu với đầy ắp cảm xúc lắng đọng. Ngay cả những khán giả sành nhạc cổ điển cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến cách thức mà trí tuệ nhân tạo đang từng bước hòa nhịp cùng cuộc sống thường nhật của con người, không chỉ trong cuộc sống hay kinh tế mà ngay cả trong nghệ thuật.

NỀN TẢNG SỐ CỦNG CỐ NIỀM TIN

Steinway & Sons - cây đàn piano đầu tiên được tạo ra dưới sự kết hợp của thủ công truyền thống và công nghệ tiên tiến của hãng Steinway & Sons, thương hiệu piano danh giá nhất thế giới, đã được Ban tổ chức Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2022 lựa chọn như một đại sứ của chương trình để kể về xu hướng tiêu dùng mới trong thời đại số đang phát triển mạnh mẽ, một xu hướng mà Nền tảng số củng cố niềm tin.

Ông Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký Tạp chí Kinh tế Việt Nam trao kỷ niệm chương "Magic Pianist" – Nghệ sỹ kỳ ảo của chương trình. Đại diện Công ty cổ phần thương mại dịch vụ sản xuất Việt Thương thay mặt cho thương hiệu Steinway & Son nhận kỷ niệm chương. Ảnh - Chu Xuân Khoa. 
Ông Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký Tạp chí Kinh tế Việt Nam trao kỷ niệm chương "Magic Pianist" – Nghệ sỹ kỳ ảo của chương trình. Đại diện Công ty cổ phần thương mại dịch vụ sản xuất Việt Thương thay mặt cho thương hiệu Steinway & Son nhận kỷ niệm chương. Ảnh - Chu Xuân Khoa. 

Chương trình Tin Dùng Việt Nam là sự kiện thường niên do ấn phẩm Tư vấn Tiêu Dùng thuộc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy khởi xướng và thực hiện từ năm 2006 đến nay. Chương trình được tổ chức nhằm công bố và vinh danh những sản phẩm, dịch vụ Tin Dùng hàng năm do cộng đồng người tiêu dùng, độc giả, chuyên gia, phóng viên và ban biên tập các ấn phẩm thuộc Tạp chí Kinh tế Việt Nam, khảo sát, tín nhiệm và bình chọn.

VINH DANH 9 NHÓM NGÀNH CÓ SẢN PHẨM TIN DÙNG 2022 

16 năm qua, Chương trình Tin Dùng Việt Nam đã bền bỉ góp sức thúc đẩy sự phát triển minh bạch và bền vững thị trường tiêu dùng Việt Nam. 

Trong bài phát biểu khai mạc chương trình, TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times cho biết, Chương trình Tin Dùng Việt Nam là sự kiện thường niên được Tạp chí Kinh tế Việt Nam khởi xướng và duy trì từ năm 2006 đến nay. Chương trình gồm các hoạt động khảo sát, thông tin, truyền thông trên các ấn phẩm, chuyên đề của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times, kết hợp với các sự kiện hội thảo, tọa đàm chuyên sâu.

Năm 2022, với chủ đề trọng tâm của Chương trình Tin Dùng Việt Nam là Nền tảng số củng cố niềm tin, chương trình đặc biệt vinh danh các sản phẩm, dịch vụ đã áp dụng nền tảng số để kích cầu mua sắm, tạo ra không gian trải nghiệm khách hàng đa nền tảng, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thanh toán không chạm…Tiêu chí đánh giá và bình chọn trong năm 2022 cũng tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ sáng tạo, đổi mới để tăng tốc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.

TS Chử Văn Lâm nhấn mạnh, trong suốt 16 năm triển khai chương trình, Tạp chí Kinh tế Việt Nam luôn nỗ lực để mở rộng các kênh thông tin giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và bày tỏ quan điểm, nhu cầu, cũng như ý kiến đánh giá của mình đối với các sản phẩm – dịch vụ lưu hành trên thị trường. Trong Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2022, tất cả các sản phẩm - dịch vụ của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối tại Việt Nam, tuân thủ đầy đủ quy định của luật pháp Việt Nam, đều được tham gia bình chọn.

Mỗi doanh nghiệp có quyền đăng ký tham gia một hoặc nhiều nhãn hàng sản phẩm, dịch vụ. Hội đồng bình chọn bao gồm Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường và đại diện Ban tổ chức, Hội đồng tư vấn sẽ lựa chọn ra những sản phẩm, dịch vụ đạt TOP 100 Sản phẩm – Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2022.

Dựa trên những căn cứ này, năm 2022, các sản phẩm - dịch vụ bình chọn được chia theo 9 nhóm ngành chính là: Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán; Thương mại điện tử, Chuỗi bán lẻ; Tài chính số, Sản phẩm Công nghệ số, Giáo dục; Nông sản, Thực phẩm, Đồ uống; Hàng tiêu dùng, Thiết bị gia dụng; Vật liệu xây dựng, Nội ngoại thất; Sản phẩm chăm sóc sức khỏe; Làm đẹp, Thời trang; và Dịch vụ du lịch - Khách sạn - Nghỉ dưỡng.

Kết quả bình chọn TOP 100 Sản phẩm – Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2022 tiếp tục khẳng định, thích ứng kịp thời và tìm kiếm hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường luôn là bí quyết giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình này, nền tảng số về hành vi người tiêu dùng có thể coi là một đòn bẩy quý giá, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng, hiểu khách hàng cần gì, muốn gì, từ đó tạo ra một thế hệ sản phẩm của thời đại mới ngày càng có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng.

CHUYỂN ĐỔI SỐ - DOANH NGHIỆP SẼ TÌM THẤY CƠ HỘI 

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam khẳng định, chương trình đã ghi nhận và vinh danh các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, vì môi trường và sức khỏe cộng đồng..., được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và sử dụng.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại chương trình. Ảnh - Chu Xuân Khoa. 
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại chương trình. Ảnh - Chu Xuân Khoa. 

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, trong thời gian qua, chuyển đổi số sao cho phù hợp với nội tại doanh nghiệp được đánh giá là một chặng đường chông gai, với những khó khăn lớn về chiến lược, công cụ và nguồn lực. Đây cũng là một trong những chủ đề lớn được thảo luận sôi nổi thời gian gần đây trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Với ngành bán lẻ, có thể nói mô hình bán hàng truyền thống vẫn đang chiếm phần lớn nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen, tâm lý và hành vi mua sắm của người dùng đang có những thay đổi lớn sau hai năm đại dịch. Các nền tảng đa kênh ngày càng chiếm vai trò quan trọng, đặc biệt là các kênh mua sắm online hoặc sàn thương mại điện tử”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhận định.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng dù các mô hình truyền thống vẫn đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, song các doanh nghiệp vẫn nên chuẩn bị cho mình một bài toán xa hơn trong nền kinh tế chuyển đổi số. Bởi lẽ, chuyển đổi số không phải là đánh mất đi mô hình cũ mà là tận dụng sự thay đổi đó để ngành bán lẻ có thể hòa nhập đúng, chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

“Không chỉ là sự thay đổi về tư duy, trong làn sóng chuyển đổi số hiện nay, mục tiêu của nhiều nhà bán lẻ là một giải pháp đa năng cho công cuộc chuyển đổi số, họ tìm kiếm một công cụ có thể cùng lúc xử lý tốt các vấn đề của mô hình bán lẻ truyền thống. Đồng thời, khai thác tối đa cơ hội trong bán hàng trực tuyến đa kênh, nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình hồi phục kinh tế, thậm chí là tìm cơ hội để phát triển, bứt tốc”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng trong khuôn khổ của Lễ Công bố & Vinh danh TOP 100 Sản phẩm – Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2022, mỗi doanh nghiệp bằng câu chuyện thực tế của mình đã chia sẻ kinh nghiệm về kế hoạch và chiến lược chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới, cộng với những dữ liệu hành vi khách hàng và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, để có thể phục hồi kinh doanh sau đại dịch, thậm chí tìm thấy cơ hội để phát triển và bứt tốc.

“Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi bên đều có điểm mạnh riêng, hỗ trợ nhau cùng xây dựng một thị trường bán lẻ bền vững”, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm khẳng định.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thúc đẩy thị trường tiêu dùng Việt phát triển minh bạch và bền vững - Ảnh 1