16:09 25/04/2022

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: "Không thể nói một số nơi, một số bộ ngành, phải nêu đích danh"

Quang Trung

Đây là lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC NHƯNG VẪN CÒN TỒN TẠI

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ và đạt được kết quả cơ bản. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, có việc còn bất cập, kết quả đạt được chưa cao; kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung kiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

“Cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra (đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu chủ yếu; thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán). Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nêu rõ những tồn tại, hạn chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Ông chỉ ra một số ví dụ như việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản quan phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để, còn 3/77 văn bản chậm ban hành; một số văn bản của bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; việc tổ chức, triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa đầy đủ các nội dung theo quy định.

Bên cạnh đó, chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công; vẫn còn tình trạng sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp nhất là trong nông nghiệp; tình trạng vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên, vi phạm về môi trường vẫn còn xảy ra ...

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, việc chậm ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ hằng năm và 5 năm đã ảnh hưởng đến tiến độ và là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương.

“Các tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại nhiều bộ, ngành, địa phương đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại năm 2020 nhưng chưa được khắc phục triệt để như: chậm ban hành, việc ban hành còn hình thức, chưa sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ công tác chuyên môn, nội dung còn chung chung, thiếu chi tiết, khó triển khai thực hiện, khó đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý.

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với các kết quả đạt được của Chính phủ trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cho rằng, trong bối cảnh năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,…

PHẢI CỤ THỂ HÓA BÁO CÁO VÀ ĐỀ XUẤT

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Thường vụ cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, cũng như đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Đồng tình với 6 nhóm giải pháp được Chính phủ nêu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng, cần tập trung làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế và khó khăn hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, sớm khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Các nhận định, đánh giá phải được thể hiện qua số liệu, dẫn chứng cụ thể và cũng cần nêu rõ những địa chỉ, các bộ, ngành, địa phương mà thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh, khắc phục…”, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề xuất.

Nhất trí với nhiều nhận định, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng để khắc phục một trong những bất cập hiện nay cần tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là báo cáo sẽ bổ sung cho phần kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tới đây.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2022 Quốc hội đang thực hiện chuyên đề giám sát tối cao về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh, lúc đầu hụt thu ngân sách nhưng Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng dần với dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

Cho rằng một trong những kết quả nổi bật trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này là tập trung triệt để tiết kiệm những khoản chi, tăng cường huy động tất cả các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, Chủ tịch Quốc hội lưu ý “việc tiết kiệm 76.000 tỷ đồng thì cần chỉ rõ địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần chỉ rõ ra chứ không nói chung chung”.

Chỉ ra những hạn chế trong báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần chỉ ra những khuyết điểm, tồn tại để làm rõ những việc làm được, việc chưa làm được. Từ đó, chỉ rõ nguyên nhân của từng hạn chế để có giải pháp phù hợp, triệt để.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý cụ thể vào những tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 liên quan đến từng lĩnh vực liên quan như: cải cách thủ tục hành chính, lĩnh vực đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập….

“Không thể nói một số nơi, một số bộ, ngành. Một số đó là ai? Cần nếu đích danh địa phương, cơ quan nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, cần thay đổi cách viết báo cáo tóm tắt theo hướng chỉ nêu những vấn đề lớn, vấn đề quan trọng để Quốc hội thảo luận.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách bám sát chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Chính phủ đã ban hành, chủ trì phối hợp với các cơ quan nêu cụ thể 5 – 7 việc nổi bật, tốt hơn so với những năm trước, trong đó, có địa chỉ, con số cụ thể để báo cáo Quốc hội. Qua đó, kịp thời động viên các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương làm tốt; đồng thời, cũng phải nói rõ những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm và kể cả những vấn đề Chính phủ phải có báo cáo thuyết minh, giải trình cụ thể hơn.

Đối với kiến nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cũng phải nêu rõ, cụ thể vấn đề cần kiến nghị...

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với năm 2020 có một số tiến bộ, với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cụ thể hóa hơn những giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó lưu ý: Các giải pháp để rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm công, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phẩn hóa; Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức đơn giá tiêu chuẩn chế độ còn thiếu; Nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí để định lượng rõ hơn các vấn đề liên quan đến năng suất, tiết kiệm của cán bộ, công chức, hợp đồng;…