Thực hư việc dùng rễ cây tầm bóp chữa tiểu đường
Thời gian gần đây, thông tin về bài thuốc từ rễ cây tầm bóp chữa dứt điểm tiểu đường đang khiến nhiều người bán tín bán nghi. Thậm chí còn có thông tin rằng người Nhật bỏ ra tới 700 ngàn đồng để thu mua 1 kg tầm bóp của Việt Nam.
Cây tầm bóp còn gọi là cây Thù lù canh hay cây đèn lồng, có tên khoa học là Physalis angulata L. thuộc họ Cà (Solanaceae). Loại cây này có nguồn gốc từ châu Mỹ (vùng nhiệt đới), sau này trở thành loại cây liên nhiệt đới. Ta có thể tìm thấy cây tầm bóp ở khắp mọi nơi: trên bãi cỏ, bờ ruộng, ven đường hay thậm chí là đất hoang. Ngoài ra ở ven rừng từ nơi thấp đến nơi có độ cao 1.500m so với mặt nước biển cũng có sự xuất hiện của nó.
Trong Đông y, tầm bóp có tính mát, vị đắng, không độc, có công dụng khu đàm, nhuyễn kiên tán kết, thanh nhiệt lợi thấp. Quả tầm bóp có vị chua giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu đờm và trị nhiều bệnh như: nôn, ho nhiều đờm, cảm sốt, yết hầu sưng, nấc… Về công dụng trị bệnh, tầm bóp có thể dung đắp ngoài để trị nhọt, đinh độc, trị rôm sẩy ở trẻ em. Cả cây tầm bóp đều có thể dung để chữa bệnh, có thể dùng tươi hay phơi khô đều được. Một số các bộ phận có tác dụng chữa bệnh mạnh mẽ nhất là thân, lá, quả và rễ cây. Ở Ấn Độ, người dân sử dụng toàn cây tầm bóp để làm thuốc lợi tiểu, lá cây được dùng trị các chứng rối loạn dạ dày…
Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền Việt Nam): "Tôi chưa được tiếp xúc với bất cứ tài liệu nào từ trước đến nay nói tầm bóp có tác dụng chữa tiểu đường. Rễ tầm bóp chỉ thường được Đông y dùng chữa viêm họng , viêm tuyến nước bọt, viêm tinh hoàn, bí tiểu tiện, hoàng đản, cổ trướng… mà thôi ".
Theo lương y Vũ Quốc Trung, sử dụng cây tầm bóp để chữa bệnh thực chất chỉ là mẹo truyền miệng, mẹo dân gian áp dụng có thể khỏi với người này nhưng không có tác dụng với người kia. Sử dụng tầm bóp để chữa bệnh tiểu đường chưa có bất cứ nghiên cứu khoa học nào hoặc bằng chứng nào chứng minh chúng phát huy tác dụng. Vì thế, người tiêu dùng muốn thử dùng bài thuốc này để chữa bệnh thì cần hết sức thận trọng và nên hỏi ý kiến ccura các bác sỹ.Bởi trong bài thuốc được lan truyền thì Rễ cây tầm bóp tươi được nấu với tim lợn và chu sa. Nhưng trên thực tế, Chu sa là một vị thuốc độc trong Đông y. Chu sa còn gọi là Thần sa, là một khoáng vật có nhiều hình dáng khác nhau, hình mảnh hình sợi, hình cục, có màu đỏ hoặc nâu hồng. Thành phần chủ yếu là sunfua Thủy ngân (HgS). Chu sa không mùi, tính hơi lạnh, có tác dụng trấn kinh, an thần, liều dùng 0,3 – 1g mỗi ngày, không được dùng quá lâu hoặc dài ngày. Vị thuốc không có tác dụng gì trong việc chữa bệnh tiểu đường. Trong khi đó, điều trị tiểu đường phải dùng dài ngày mà chu sa không được dùng dài ngày vì bản chất là chất độc, cực nguy hiểm khi áp dụng dài ngày.
Đó là chưa kể đến việc trong tự nhiên có tồn tại một loại cây tên là Lu lu đực, có hình dáng rất giống cây tầm bóp, không dễ cho người dùng có thể phân biệt được. Lu lu đực có quả tròn, nhỏ hơn, thân cây mảnh hơn, lá không có vị đắng. Trong thân cây và rễ Lu lu đực chứa nhiều độc tố Solanin, lá thì chứa độc tố Nitrate. Nếu ăn phải quả, lá của lu lu lực sau 6 – 12 tiếng có thể sốt, vã mồ hôi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, triệu chứng hôn mê. Điểm phân biệt, chỉ có thể nhận biết giữa lu lu đực với tầm bóp là quả tầm bóp mọng, tròn, lúc non có màu xanh, khi chín chuyển sang vàng, đỏ. Điểm dễ thấy nhất là bên ngoài của quả tầm bóp bọc một lớp vỏ y chang đèn lồng.