11:00 14/07/2016

Thực phẩm chức năng: không hẳn là thần dược cho nhan sắc!

PV

Thực phẩm chức năng: không hẳn là thần dược cho nhan sắc! - Ảnh 1

Thực phẩm chức năng nhé?
Sau những ngày theo chân một số quý cô, quý bà đến nhiều tiệm spa, cơ sở thẩm mỹ làm đẹp, chúng tôi được mục sở thị biết bao phương pháp để duy trì sắc đẹp. Đúng là mất không ít thời gian công sức. Riêng vấn đề da dẻ chiếm sự quan tâm lớn từ phái đẹp. Luôn bị ám ảnh bởi câu “nhất dáng nhì da”, từ bao lâu nay chị em không ngừng săn tìm rồi áp dụng bao bí quyết làm đẹp bất kể gian nan. 
Nằm rệu rã trên giường bệnh sau 10 ngày nhập viện tại khoa Nhiễm A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, da chị T.D.T. (31 tuổi, nhà ở Q.11, TP.HCM) vẫn còn vàng đậm. Chị T. kể cách đây ba tháng, chị nghe bạn bè xúi “đẹp như mày mà không dùng TPCN để giữ dáng thì sớm lão hóa”. Từ đó mỗi tháng chị dành đến 1,8 triệu đồng để uống TPCN. “Lúc đầu, tôi định uống một loại TPCN nhưng nghĩ dưỡng da mà không dưỡng tóc coi sao vô. Do đó, tôi quyết định uống một lúc nhiều loại TPCN như: tảo biển để giữ làn da trắng hồng, collagen chống lão hóa … Những sản phẩm tôi mua chủ yếu là hàng xách tay từ Mỹ, Nhật, cũng có sản phẩm mua trên mạng. Sau ba tháng uống TPCN liên tục, bỗng dưng nước tiểu có màu vàng rất đậm, có mùi giống như uống thuốc kháng sinh. Tôi bắt đầu biếng ăn, toàn bộ da mặt, tay chân vàng rực. Nhập viện đã 10 ngày rồi mà vẫn chưa hết vàng da”. Bác sĩ (BS) Lý Văn Chương - Trưởng khoa Nhiễm A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người điều trị trực tiếp cho chị T. cho biết, khi mới nhập viện, nghĩ chị T. bị viêm gan siêu vi nên vàng da; nhưng xét nghiệm cho thấy chị không bị nhiễm bất cứ loại virus nào, từ viêm gan A, B, C đến D, E. Thế nhưng kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy BN bị tổn thương gan nặng khi chỉ số men gan cao hơn ngưỡng cho phép đến vài trăm lần. Sau 10 ngày điều trị, các chỉ số men gan bắt đầu hạ nhưng vẫn còn cao. Dự kiến phải ba tháng sau, da của chị T. mới trở về trạng thái bình thường.

Thực phẩm chức năng: không hẳn là thần dược cho nhan sắc! - Ảnh 2

Hay sữa ong chúa?
Ngoài TPCN thì sữa ong chúa và nhau thai cừu cũng đang là ngôi sao sáng, thu hút sự quan tâm lớn của người người có nhu cầu làm đẹp, bồi bổ cơ thể. Rất dễ tìm thấy, nghe thấy những lời quảng cáo bùi tai về những sản phẩm này. Nào là hàng xách tay từ Úc, Mỹ, châu Âu về với chất lượng được kiểm định gắt gao, được kiểm chứng có rất nhiều tác dụng, có thể làm đẹp từ dáng đến da, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa.
Khi lên trang tìm kiếm thông tin phổ biến nhất trên mạng là google đánh cụm chữ “sữa ong chúa” thì chưa đầy 0,25 giây đã hiện ra trên 1,13 triệu kết quả tìm kiếm. Còn nếu đánh cụm chữ “công dụng của sữa ong chúa” thì 2,15 triệu kết quả đã hiện ra trong chưa đầy 0,18 giây. Điều này cho thấy sức hút, sự quan tâm của mọi người đối với sản phẩm sữa ong chúa lớn như thế nào.  Vậy sữa ong chúa là gì, có thần diệu đến thế hay không ? Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Võ Văn Chi (tác giả cuốn Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam) cho biết sữa ong chúa hay còn gọi là phong nhũ. Các ong thợ khi ăn thật no mật phấn hoa rồi thì tuyến hạ hầu bị kích thích, các tế bào căng phồng lên vì phải chứa một thứ sữa màu vàng mỡ gà. Tất cả ong thợ khi có sữa sẽ đưa vào kho dự trữ của tổ để làm thức ăn riêng cho ong chúa, ấu chúa và ấu trùng ong, cho nên gọi là sữa ong chúa. Sữa ấy còn quý hơn phấn hoa, phấn ong vì nó có tới 20 loại acid amin quan trọng, lại còn rất nhiều vitamin A, B1, B2, B6, B12, D, PP… và kích thích tố nữa. Sữa ong chúa là nguồn dược liệu quan trọng để chế ra nhiều thứ thuốc bổ. Tiến sĩ Võ Văn Chi cũng phân tích rõ rằng sữa ong chúa có tới 20 loại acid amin nhưng trong đó có 12 loại mà cơ thể con người không thể tổng hợp được. Có thể dùng sữa ong chúa như mật ong thường nhưng với liều thấp hơn và hiện đang được sử dụng chữa một số bệnh khác như suy dinh dưỡng trẻ em, thấp khớp, hen suyễn, sởi, huyết áp cao, viêm gan truyền nhiễm, thần kinh suy nhược. Một ngày chỉ nên dùng 2 - 5g sữa ong chúa, dạng thuốc uống hoặc tiêm.

Thực phẩm chức năng: không hẳn là thần dược cho nhan sắc! - Ảnh 3

Nhau thai cừu thì sao?
Nhau thai cừu có chứa nhiều hoạt chất mà một khi được cơ thể hấp thụ, có thể giúp trẻ hóa các cơ quan nội tại. Bên cạnh việc tăng cường sức chịu đựng của con người, nó cũng làm giảm bớt và kích hoạt các tế bào mệt mỏi. Nhau thai cừu cũng được biết đến để điều chỉnh nội tiết tố chưa kể khả năng cải thiện ham muốn tình dục. Do những lợi ích này, các tác dụng phụ của nhau thai cừu thường bị bỏ qua.
Theo PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà, chuyên ngành sinh học (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM), cơ bản, nhau thai cừu được thu giữ, đông khô ở mức độ bảo quản các thành phần dinh dưỡng, sau đó nghiền, lọc và đảm bảo thu được thành phần chính của nhau thai. Bên cạnh đó, mỗi nhà sản xuất có thể cho thêm “gia vị” tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh có thể uống được, hoặc thoa được trên da. Những sản phẩm này có nguồn gốc từ động vật nên cần phải được các cơ quan có uy tín như FDA (Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ) thông qua, nhưng không ít nơi vẫn đưa sản phẩm chưa được chấp nhận ra thị trường. Thực chất, người ta rất ngại lấy các sản phẩm “dị loại” từ động vật sử dụng cho người, vì nguy cơ truyền bệnh từ động vật qua người rất cao, đặc biệt là các bệnh do vi khuẩn hay virus. Đặc biệt, theo TS. Hà, các thành phần “gia vị” cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Nhiều chuyên gia trong ngành cũng rất e ngại khi đụng vào các sản phẩm này, vì không biết cái nào thật, cái nào giả, hàm lượng thành phần đưa ra như vậy có đúng không, nếu vượt quá hay ít hơn, hiệu quả có thể khác đi, thay vì tương tác sẽ trở nên xung khắc… Nói về collagen, TS. Hà cho biết, đây là một protein nên có nguy cơ cao gây dị ứng, nếu người sử dụng có cơ địa dễ kích ứng. Collagen khi đưa vào cơ thể là một vật lạ, hệ miễn dịch lập tức đưa ra tín hiệu báo động, phản ứng chống lại vật lạ và tìm cách đào thải. Do đó, cơ thể đưa ra nhiều phản ứng như mẩn đỏ, nôn, tiêu chảy. Thậm chí có trường hợp collagen được đưa vào cơ thể, sẽ kết hợp với các thành phần trong chính cơ thể, tạo ra một thứ tạm gọi là “chất thứ ba”, cơ thể nhận diện chất thứ ba này là vật lạ nên sẽ chống lại, vô hình trung, phá hủy luôn các thành phần trong cơ thể. Người ta gọi đó là bệnh tự miễn.
Cẩn thận vẫn hơn
Trước cơn sốt lạm dụng thực phẩm chức năng, các nhà dược học cảnh báo người tiêu dùng phải có tìm hiểu kỹ, sử dụng phải đúng liều lượng với sự tư vấn từ người có chuyên môn. Đồng thời phải biết rõ nguồn gốc sản phẩm để tránh dùng phải hàng dỏm. Làm đẹp, bảo vệ sức khỏe là nhu cầu chính đáng của bao người nhưng đừng để trả giá đắt cho sức khỏe của mình từ sự thiếu hiểu biết.
Theo BS. Lý Văn Chương - Trưởng khoa Nhiễm A, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, dừng tiếp xúc với các tác nhân gây tổn thương gan sẽ giúp gan bình phục. Tuy nhiên, tế bào gan đã bị tổn thương sẽ không hồi phục. Tế bào gan bị què quặt, bị tổn thương nhiều, trở nên nhạy cảm hơn. Khi sử dụng thuốc hay bất cứ một thứ hóa chất bằng đường uống nào cũng vẫn phải rất cẩn thận, vì nếu bị tái phát sẽ nặng hơn. Hiện nay, thực phẩm chức năng trên thị trường rất đa dạng, nhiều thành phần, nhiều nguồn gốc, người sử dụng cũng ngày càng nhiều, mà không biết bản thân có cơ địa dễ bị viêm gan do tác nhân bên ngoài. Khi phát hiện ra các biểu hiện viêm gan, thường không kịp ngưng lại, mà các tổn thương gan đã trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, nếu sử dụng thực phẩm chức năng, người dân nên đi tầm soát men gan mỗi 6 tháng một lần.
PGS-TS-BS. Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu, BV Đại học Y Dược, cơ sở 2 cho biết: nếu TPCN chỉ đơn thuần cung cấp vitamin thì sẽ khó gây hại, nhưng TPCN giúp trắng da, giảm cân cấp tốc… thì dễ gây độc. Ngay tại Mỹ, việc xin giấy phép lưu hành TPCN rất dễ, các siêu thị bán tràn lan nhưng cũng chưa được kiểm soát tốt. Chỉ khi xuất hiện những ca biến chứng, tử vong do uống TPCN, lúc đó chính quyền sở tại mới cấm sử dụng.
PGS-TS-DS. Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện tại TP.HCM khuyến cáo: “TPCN tuy không phải là thuốc nhưng có những thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe, vì vậy phải có những hướng dẫn về liều lượng, lưu ý khi sử dụng, nhất là đối với phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú, người suy gan, suy thận... Mặt khác, TPCN vẫn được phép sử dụng một số tân dược trong công thức nhưng với liều lượng nhỏ hơn so với thuốc. Do đó, khi sử dụng, một số người nhạy cảm với các thành phần này cũng có thể gây các phản ứng có hại, nhất là người vốn mắc bệnh gan hoặc uống quá liều lượng”.
TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM phân tích: “Nếu một loại TPCN được tạo ra từ các hoạt chất thông thường, vốn không phải là những hợp chất thiết yếu cho cơ thể thì không nên sử dụng nhiều. Nếu sử dụng quá nhiều hoặc sử dụng khi cơ thể không cần thì chúng trở nên dư thừa, do đó có nguy cơ gây ngộ độc cho gan và thận. Ngoài ra, một số loại TPCN còn được bổ sung thêm các vi chất, thường là chất khoáng. Thực chất các chất khoáng này là các kim loại mà nhu cầu cơ thể chỉ cần ở mức rất thấp, có thể được cung cấp đầy đủ bằng các thức ăn thông thường hàng ngày. Nếu bổ sung thêm sẽ tạo tình trạng dư thừa và gây ngộ độc”.
Tốt hơn hết, người tiêu dùng sử dụng đa dạng các thực phẩm tự nhiên hàng ngày, nhất là rau củ quả tươi là đủ nguồn vi chất, dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Ngoài các hoạt chất, rau quả tươi còn cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng giúp bảo vệ cơ thể phòng chống bệnh, đồng thời cải thiện sức khỏe trong thời gian dưỡng bệnh. Đặc biệt, đừng nên bỏ qua các loại rau thơm trong các món ăn hàng ngày. Các loại rau như hành ngò, húng lủi, húng quế, rau ngổ, ngò tàu, rau tần, tía tô, kinh giới, sả… là các loại rau có nhiều hoạt chất, đồng thời tinh dầu của chúng còn có tính sát trùng, kháng khuẩn.


Lưu Thủy