06:00 21/05/2024

Thực phẩm thuần chay từ sen nhiều dư địa phát triển

Băng Hảo

Thực tế, sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu trong tỉnh. Trước đây, sản phẩm được tiêu thụ thông qua các cơ sở bán sỉ, lẻ nhưng giờ đây đã “rộng đường” xuất khẩu sang thị trường nước ngoài…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 18/5 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen gắn với kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh trước thực tế chưa nhiều sản phẩm được thương mại hóa. Qua Sơ đồ sản phẩm từ sen Đồng Tháp được trưng bày tại hội thảo, có thể thấy cây sen được khai thác nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống, tiếp đến là thủ công mỹ nghệ, còn với các ngành khác như dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, quà lưu niệm… thì chưa được phát triển đa dạng.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ chuỗi ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp đã được nhiều người biết đến, nhưng vẫn chưa vượt bậc so với một số địa phương cũng như nhu cầu phát triển chưa đạt kỳ vọng; "trưng bày nhiều, nhưng thực tế thương mại hóa chưa nhiều".

“Đồng Tháp nổi tiếng trồng sen lấy gương, sau này mới có các sản phẩm giá trị gia tăng. Chúng tôi mong muốn các chuyên gia chia sẻ thêm những hạn chế gì của ngành hàng, đưa ra kiến nghị đánh giá thực tế về phát triển giống, sản phẩm từ giống, sản phẩm giá trị gia tăng, yêu cầu của thị trường...", ông Thiện nói.

Các sản phẩm sen hiện nay trưng bày nhiều, nhưng thực tế thương mại hóa chưa nhiều.
Các sản phẩm sen hiện nay trưng bày nhiều, nhưng thực tế thương mại hóa chưa nhiều.

Tại hội nghị, các chuyên gia nhận định, sen là loại cây trồng có rất nhiều giá trị, không chỉ giá trị văn hóa, tâm linh mà còn ứng dụng hiệu quả trong trang trí, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhất là các thành phần hóa học trong các bộ phận của cây sen là tiềm năng để khai thác dược liệu. Cùng với đó, xu hướng thực phẩm thuần chay hiện nay (plant-based) là cơ hội lớn để phát triển ngành hàng sen.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty tư vấn ISM cho rằng, cơ hội nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng sen có ở mọi nhu cầu trong cuộc sống. Điển hình như sử dụng vỏ hạt sen, thân, lá để làm phân hữu cơ; bột lá sen làm vải. Bên cạnh sản phẩm từ sen hiện có, cần nâng tầm sản phẩm và phát triển phân khúc khách hàng mới, trong đó chú trọng cải thiện bao bì, đóng gói, mở rộng bán đa kênh, kết nối từ hội chợ, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, mở các tour trải nghiệm sen…

Đặc biệt, Tiến sĩ Phạm Minh Nhựt, Trưởng ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, đã chia sẻ về xu hướng và cơ hội của sản phẩm sen trong công nghiệp thuần chay của thế giới. Theo đó, thị trường thực phẩm thực vật toàn cầu dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12,4%, đạt 95,52 tỉ USD vào năm 2029.

Các bộ phận của cây sen như hạt sen, hoa sen, lá sen, củ sen đều có thể được sử dụng làm nguồn thực phẩm. Củ sen chứa 15 - 16% carbohydrate có thể được chế biến bằng cách muối chua, sấy khô, dưa muối, dạng đông lạnh và sản xuất tinh bột; hạt sen ăn sống, nấu chín, sấy, chiên, ngâm chua; hoa dùng làm trà hoặc để trang trí các món ăn...

Xu hướng thực phẩm thuần chay hiện nay (plant-based) là cơ hội lớn để phát triển ngành hàng sen.
Xu hướng thực phẩm thuần chay hiện nay (plant-based) là cơ hội lớn để phát triển ngành hàng sen.

Qua nghiên cứu, cây sen chứa 23 hoạt tính sinh học, tiêu biểu là hoạt tính kháng côn trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, chống táo bón, chống co thắt, kháng oxy hóa, hỗ trợ tim mạch... Đặc biệt hoa sen có thể dùng công nghệ chiết xuất các hoạt tính tốt. "Xu hướng phát triển sản phẩm mới từ sen trong nền kinh tế tuần hoàn là một xu hướng đáng chú ý, thân thiện với môi trường, bền vững; phát triển sản phẩm mới từ sen giúp giảm bớt áp lực lên tài nguyên tự nhiên và môi trường, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy sự đổi mới trong ngành công nghiệp", Tiến sĩ Phạm Minh Nhựt nói.

Ngoài ra theo ông Nhựt, sen có vị ngọt tự nhiên và có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thay thế cho các sản phẩm động vật như mật ong hoặc đường, do đó thực phẩm thuần chay từ sen là một trong những nguyên liệu nằm trong xu thế kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, các địa phương còn có thể gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch từ sen và phát triển sản phẩm OCOP.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 1.800ha diện tích trồng sen, mỗi năm cho sản lượng hạt 1.500 tấn. Hiện địa phương có hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ sen; 56 sản phẩm OCOP làm từ sen; 4 sản phẩm từ sen được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Made in Dong Thap”. Ông Đinh Công Phủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và đang thực hiện.

Chị Lưu Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yến Sào Thiên Phúc Đồng Tháp ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình cho biết gia đình có truyền thống nuôi chim yến để lấy tổ nên tận dụng lợi thế đó, chị Duyên nghiên cứu, sản xuất sữa hạt sen tổ yến. Hiện nay, doanh nghiệp của chị Duyên có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao từ sen và yến là Sữa hạt tổ yến, sen yến, đang được tiêu thụ tại 10 tỉnh khu vực miền Nam.

Phát triển sản phẩm mới từ sen giúp giảm bớt áp lực lên tài nguyên tự nhiên và môi trường đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới.
Phát triển sản phẩm mới từ sen giúp giảm bớt áp lực lên tài nguyên tự nhiên và môi trường đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Đặc biệt, sản phẩm OCOP đạt 5 sao đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp là sản phẩm hạt sen sấy của anh Huỳnh Văn Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành. Hiện nay, hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao của anh Hiệp được tiêu thụ khá lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, Thủ đô Hà Nội và có mặt các quốc gia Đông Nam Á, EU, Hàn Quốc…

Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp cũng đã xác lập kỷ lục thế giới 200 món ăn chế biến từ sen, với mục đích tôn vinh hoa sen, phát huy giá trị văn hóa – kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ cây sen Đồng Tháp, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù đạt OCOP.

Mục tiêu phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đến năm 2025 với 1.350 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn, năng suất trung bình đạt 8,5 tấn/ha.

 

Sau 4 ngày tổ chức, lễ hội sen Đồng Tháp lần 2 - 2024 từ ngày 16 - 19/5 đã thu hút trên 200.000 lượt khách đến tham quan, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng.