10:01 02/04/2025

Thuế quan Trump có thể "thổi bay" 700 tỷ USD GDP toàn cầu, Mỹ thiệt hại nhiều nhất

Ngọc Trang

Thuế quan đối ứng của Mỹ với tất cả đối tác thương mại, thuế quan ô tô, cùng thuế quan bổ sung 20% với hàng hóa Trung Quốc và 25% với nhôm thép đang áp dụng, sẽ khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,6% vào năm 2027...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp một loạt thuế quan mới vào ngày thứ Tư (2/4) theo giờ Mỹ và có hiệu lực ngay lập tức. Đây là thuế quan nằm trong kế hoạch áp thuế quan đối ứng của ông Trump nhằm vào các đối tác thương mại của Mỹ.

Hiện chưa rõ chi tiết về quy mô cũng như phạm vi của thuế đối ứng, nhưng nếu được áp dụng với tất cả đối tác thương mại của Mỹ, đây được dự báo sẽ là một cú sốc với nền kinh tế thế giới và làm leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.

Ngoài thuế đối ứng, từ ngày 3/4, thuế quan bổ sung 25% với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ cũng sẽ có hiệu lực.

Theo ước tính của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), thuế quan đối ứng của Mỹ với tất cả đối tác thương mại, thuế quan ô tô, cùng thuế quan bổ sung 20% với hàng hóa Trung Quốc và 25% với nhôm thép đang áp dụng, sẽ khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,6% vào năm 2027.

Con số này tương đương 763 tỷ USD, dựa trên dự báo GDP toàn cầu năm 2027 đạt 127 nghìn tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong đó, Mỹ sẽ chịu thiệt hại lớn nhất khi GDP được dự báo sẽ giảm 2,7%. Theo JETRO, chi phí hàng nhập khẩu tăng lên sẽ ăn mòn lợi nhuận của những doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Thuế quan ô tô cũng góp phần kéo tụt GDP của Mỹ bởi giá ô tô tăng lên khiến người tiêu dùng nước này không còn nhiều tiền để chi tiêu cho những hạng mục hàng hóa và dịch vụ khác.

Một báo cáo công bố thứ Sáu tuần trước của trung tâm nghiên cứu The Budget Lab tại Đại học Yale (Mỹ) ước tính chỉ riêng thuế quan ô tô có thể khiến thu nhập khả dụng của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm khoảng 495-615 USD.

Ông Trump trước đó gọi ngày 2/4 là “Ngày tự do”, một ngày mà Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng bị các quốc gia khác “lấy đi việc làm, lấy đi tài sản và lấy đi rất nhiều thứ mà họ đã lấy trong suốt nhiều năm qua”.

Sự kiện công bố thuế quan đối ứng ngày 2/4 dự kiến ​​sẽ diễn ra tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, nơi thường tổ chức các cuộc họp báo chung của ông Trump với các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Mỹ.

Theo ông Trump và các trợ lý, thuế đối ứng có thể thay thế thuế thu nhập để trở thành một nguồn thu chính của ngân sách chính phủ.

“Các biện pháp thuế quan của ông Trump, bao gồm thuế đối ứng, sẽ mang lại cho ngân sách Mỹ khoảng 6 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới”, ông Peter Navarro, cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất của Nhà Trắng, phát biểu hôm 31/3.

Phát biểu trước báo chí ngày 1/4, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt một lần nữa chỉ trích các đối tác thương mại của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ và Canada.

"Tổng thống Trump sẽ công bố một kế hoạch thuế quan nhằm đảo ngược các hoạt động thương mại không công bằng đã gây thiệt hại cho đất nước chúng ta suốt nhiều thập kỷ", bà Leavitt phát biểu.

Thời gian qua, ông Navarro cũng như nhiều trợ lý khác của ông Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tăng thuế quan chính là một hình thức giảm thuế. Nhiều cử tri Mỹ đồng tình với lập luận này và tin rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi thuế quan là do các công ty nước ngoài chi trả.

Nhưng trên thực tế, chính các doanh nghiệp tại Mỹ cũng phải chịu thuế quan. Khi chi phí tăng thêm do thuế quan đẩy giá cả hàng hóa tăng, chính người tiêu dùng Mỹ sẽ là đối tượng phải trả thuế quan đó.