09:06 25/02/2008

Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Chúng tôi vẫn lo một vài điểm”

Nguyễn Hoài

“Tôi cho rằng, Nhà nước nên coi tiền thưởng cũng như lương đều là chi phí được khấu trừ thuế của doanh nghiệp”

"Không nên đặt vấn đề doanh nghiệp “trong” hay “ngoài” nước ở đây, vì như thế là đang tạo ra một sân chơi thiếu bằng phẳng".
"Không nên đặt vấn đề doanh nghiệp “trong” hay “ngoài” nước ở đây, vì như thế là đang tạo ra một sân chơi thiếu bằng phẳng".
Bộ Tài chính hiện đang soạn thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có cả các doanh nghiệp nước ngoài, về quy định giới hạn chi phí quảng cáo và khuyến mại được khấu trừ thuế.

>>Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Giảm xuống mức 25% là phù hợp”

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ashok SUD, Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), về vấn đề này.

Thưa ông, ý kiến của ông về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi lần này như thế nào?

Nhìn chung, chúng tôi hài lòng với bản dự thảo, nhất là khi Bộ Tài chính đặt vấn đề giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28% xuống 25%, tức giảm 3%. Điều này sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo ngại một vài điểm mà Chính phủ nên xem xét lại. Chẳng hạn, theo quy định, nếu chi phí quảng cáo và khuyến mãi vượt quá 10% tổng chi phí sẽ không được khấu trừ thuế.

Có nghĩa, nếu doanh nghiệp sử dụng chi phí quảng cáo và khuyến mãi lên tới 20, 30% hay nhiều hơn thế, thay vì 10% như quy định, thì Nhà nước chỉ chấp nhận 10% thuộc diện khấu trừ tính Thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á còn có quy định này và điều đó không phục vụ cho lợi ích nền kinh tế cũng như quyền lợi người tiêu dùng. Có lẽ nào thuế lại cản trở doanh nghiệp quảng cáo và khuyến mại?

Một điểm nữa, tiền thưởng cho cán bộ công nhân viên cũng không được coi là chi phí hợp lý được khấu trừ. Hiện nay, thu nhập người lao động thường có hai phần: cố định và không cố định. Tiền thưởng dịp tổng kết quý, năm, ngày lễ... là một loại thu nhập không cố định.

Doanh nghiệp coi đó biện pháp khuyến khích người lao động tạo thêm doanh thu cho doanh nghiệp và của cải vật chất cho xã hội. Vì thế, nên coi đó là chi phí hợp lý được khấu trừ.

Thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã sử dụng quá giới hạn 10% nói trên, còn doanh nghiệp trong nước thì chưa. Nếu không khống chế tỷ lệ, doanh nghiệp trong nước sẽ bị chèn ép. Ý kiến ông ra sao?

Nhiều năm nay, Việt Nam đang theo đuổi chính sách thông thoáng, minh bạch và công bằng nhằm thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Không nên đặt vấn đề doanh nghiệp “trong” hay “ngoài” nước ở đây, vì như thế là đang tạo ra một sân chơi thiếu bằng phẳng.

Tại Việt Nam, với Luật Kế toán hiện hành, doanh nghiệp có thể lợi dụng thưởng ít nhưng yêu cầu lao động ký nhận nhiều để hưởng lợi chi phí được khấu trừ thì sao?

Điều này cũng không đáng lo lắm vì Việt Nam đã có Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thực tế thì không có người nào lại sẵn lòng làm cái việc xác nhận mình được nhận 10 đồng tiền thưởng nhưng thực tế chỉ nhận 2 đồng để doanh nghiệp trốn thuế, còn mình phải đóng thuế thu nhập cá nhân cả.

Tôi cho rằng, Nhà nước nên coi tiền thưởng cũng như lương đều là chi phí được khấu trừ thuế của doanh nghiệp. Điều này có thể làm cho thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm nhưng Nhà nước lại thu được thuế thu nhập cá nhân từ phía người lao động.

Do đó, nhìn từ giác độ vĩ mô, chúng không ảnh hưởng gì tới quyền lợi quốc gia và thậm chí còn minh bạch hơn.

Vậy, theo ông, nếu bỏ hạn mức quy định trên thì nền kinh tế được hưởng lợi gì?

Tôi xin chia sẻ thêm rằng, khi doanh nghiệp tăng chi phí quảng cáo và khuyến mãi, sẽ tăng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Khi đó, chất lượng hàng hóa sẽ tăng và giá cả sẽ giảm xuống. Điều này gián tiếp tác động tích cực tới giảm lạm phát.

Ngược lại, khi Nhà nước khống chế 10% cổ phần quảng cáo và khuyến mãi chịu thuế/tổng chi phí hợp lý được khấu khừ, doanh nghiệp sẽ tìm cách đưa khoản vượt ra ngoài giới hạn trên vào giá bán. Lúc đó, giá cả hàng hóa dịch vụ không chỉ tăng, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà còn gây áp lực tăng lạm phát.