Thương hiệu Forever 21 nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ
Thương hiệu "thời trang ăn liền" Forever 21 đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ngày 29/9 và cho biết sẽ đóng 178 cửa hàng ở Mỹ.
Hãng thời trang toàn cầu Forever 21 ( hay vẫn thường được biết đến dưới cái tên F21) ngày 29/9 tuyên bố đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ, một bước đi được xem là nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khách hàng ngày càng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang mua bán trên mạng.Forever 21 có khoảng 815 cửa hàng trên phạm vi toàn cầu. Theo quyết định trên, F21 sẽ đóng cửa 350 trên tổng số 815 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó riêng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của chuỗi bán lẻ thời trang này, sẽ có 178 cửa hàng bị đóng.Dù vậy, hãng cho biết, quyết định cuối cùng về việc cửa hàng nào trong nước sẽ bị đóng còn phụ thuộc vào quá trình thương thảo với chủ mặt bằng. "Chúng tôi hy vọng phần lớn cửa hàng sẽ vẫn mở cửa hoạt động như bình thường và không muốn rời bỏ bất kỳ thị trường lớn nào tại Mỹ", thông báo của công ty cho biết.
Chuỗi thời trang bán lẻ có trụ sở tại California khẳng định việc đệ đơn phá sản không có nghĩa là họ sẽ rời bỏ thị trường Mỹ. "Quá trình phá sản sẽ giúp các hãng bán lẻ chấm dứt hợp đồng thuê và đóng cửa hàng với chi phí thấp hơn. Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của F21, điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái định vị thương hiệu," Phó chủ tịch điều hành của F21, bà Linda Chang cho biết.Forever 21 là một trong các khách thuê lớn của trung tâm thương mại. Nếu chuỗi này đóng lượng lớn cửa hàng vì tái cấu trúc, các chủ sở hữu trung tâm thương mại sẽ rất khó lấp chỗ trống. Forever 21 là khách thuê lớn thứ 6 của Simon, với 99 gian hàng có tổng diện tích gần 140.000 m2, tính đến hết quý I.
Ngoài ra, hãng cho biết sẽ ngừng hoạt động ở 40 quốc gia tại châu Âu và châu Á, bao gồm Canada và Nhật Bản. Dù vậy, Forever 21 vẫn sẽ tiếp tục vận hành trang web và hàng trăm cửa hàng tại Mỹ, cũng như các cửa hàng ở Mexico và Mỹ Latinh.Theo bà Chang, công ty đã mở rộng quá nhanh, phủ sóng 47 quốc gia chỉ trong chưa đầy 6 năm và vô tình gây ra sự "phức tạp về lợi nhuận và quản lý." Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng của công nghiệp bán lẻ cũng như sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã khiến doanh nghiệp này đối mặt với nhiều khó khăn.
Forever 21 thành lập năm 1984, bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Chuỗi cửa hàng này nhanh chóng mở rộng ra khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với sản phẩm thời trang cơ bản, bình dân. Forever 21 hiện vẫn thuộc sở hữu của các nhà đồng sáng lập. Theo Forbes, Won và Chang hiện có tài sản 1,5 tỷ USD. Forever 21 có doanh thu hàng năm 3,4 tỷ USD với 30.000 nhân viên.
Như vậy, Forever 21 là cái tên mới nhất trong danh sách các nhà bán lẻ - bao gồm Barneys và Matter Firm - nhờ đến luật bảo hộ phá sản để thu hẹp hoạt động nhằm cắt lỗ. Xu thế mua sắm online đã gây áp lực lớn lên các chuỗi bán lẻ có hệ thống cửa hàng quá lớn và tốn kém.Forever 21 cho biết đã nhận được 275 triệu USD từ JPMorgan Chase và 75 triệu USD từ TPG Sixth Street Partners để hỗ trợ hoạt động trong thời gian xin bảo hộ phá sản.
(Theo CNBC)