Đến thị xã mới, nhớ tỉnh lỵ cũ
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên, nối với tỉnh Lai Châu, nơi đây từng chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử. Trước đây, Mường Lay được biết đến là tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu cũ, một thị xã có diện tích nhỏ nhất nước (chưa đầy 12 nghìn hecta), gồm 2 phường và 1 xã. Trung tâm thị xã nằm trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của các con sông: Sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay.
Từ khi công trình thuỷ điện Sơn La được hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao khoảng 213m, diện tích rộng chừng 100ha đã tạo ra cho Mường Lay một cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, trên là núi dưới là hồ được ví như một Hạ Long trên cạn.
Với khí hậu mát mẻ và trong lành của núi rừng Tây Bắc, Mường Lay chính là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, của quá khứ và hiện tại. Dòng sông Đà hung dữ năm xưa giờ đây trở nên hiền hòa, phẳng lặng và xanh mênh mông tạo cho người thưởng ngoạn cảm giác thật thoải mái, nhẹ nhàng và tưởng như đang giao hòa với thiên nhiên, đất trời, non nước. Đến với Mường Lay, bạn không nên bỏ lỡ cơ hội du ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ, để được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng, được nghe những câu chuyện đậm sắc màu huyền sử kể về dòng Đà giang hung dữ xưa kia.
Trên đường đi vãn cảnh lòng hồ, bạn có thể ghé qua đất Lai Châu để thăm và tìm hiểu về dinh thự Đèo Văn Long, thăm mô hình nuôi cá lồng của người dân bản địa. Đặc biệt nơi đây cũng luôn hấp dẫn đối với những người thích khám phá và ưa mạo hiểm với các hoạt động như câu cá trên sông Đà, leo núi khám phá Hang bản Bắc hay đi bộ xuyên rừng tới thăm các bản làng xa xa nằm ẩn mình bên vách núi...
Những cung đường thơ mộng
Đến Lai Châu bằng cung đường từ cầu Hang Tôm mới băng qua Chăn Nưa rồi Pa Tần - Phong Thổ với chiều dài hơn 100km, chiếm phân nửa là đường tránh ngập uốn lượn trên triền núi tựa con rắn đang trườn mình lên cao. Nhìn xuống vực là sông Nậm Na bám theo những đường gấp khúc quanh co của con đường cũ năm xưa. Nhiều đoạn sông bỗng trải rộng, ngập tràn đến tận chân núi, nơi cách đây vài năm là đồng ruộng, là bến nước cho dân bản trưa chiều ra tắm mát hoặc bãi bồi cho trâu bò thả rông ăn cỏ. Bản làng với những ngôi nhà sàn xinh xắn trên rẻo cao đang ẩn hiện trong lớp mây mù lãng đãng. Thỉnh thoảng xuất hiện trên sông con thuyền máy qua lại như điểm xuyết cho cảnh sắc núi rừng thêm lãng mạn.
Ngoài nhà sàn, Mường Lay còn nổi tiếng bởi những cây cầu. Trong đấy có Hang Tôm, từng là “Đông Dương đệ nhất cầu” – câu cầy dây văng lớn nhất Đông Dương. Câu cầu nối hai bờ Lai Châu – Điện Biên ngày nay. Toàn bộ cây cầu Hang Tôm cũ giờ đã chìm sâu xuống lòng hồ khoảng 20m. Mỗi lần đến Hang Tôm mới, ta hoài niệm về một thời đã qua. Tìm đâu đó dưới con nước xanh câu cầu từng “nối đôi bờ no ấm”.
Mường Lay không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng mà còn lôi cuốn lòng người bởi nét văn hóa đa dạng và độc đáo của 9 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc nơi đây đều mang bản sắc văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh văn hóa hết sức phong phú, đa dạng với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng. Mường Lay được xem là thủ phủ của người Thái trắng ở Điện Biên, là một trong những cái nôi của điệu múa nón, múa chai, múa quạt duyên dáng đã đi vào tiềm thức con người và thơ ca.
Nếu là người ưa thích tìm hiểu văn hoá bản địa, bạn có thể thăm quan các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc ở phường Na Lay, sản xuất và chế biến đồ gỗ ở phường Sông Đà hay nghề đan lát đồ gia dụng ở xã Lay Nưa. Tối đến, dừng chân trong những nếp nhà sàn truyền thống, bạn có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng đắng, nộm hoa ban, gỏi cá, lạp, pa pỉnh tộp, đặc biệt không thể không kể đến món cá lăng, cá chiên và tôm sông Đà nổi tiếng khắp vùng. Hòa trong hương rượu ngô thơm ngọt, men say ngây ngất, bạn cùng theo vòng quay của điệu xòe, thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.
Ánh điện từ những ngôi nhà sàn
Rời khỏi cây cầu dây văng Hang Tôm huyền thoại, rất có thể bạn sẽ chạy xe ngang qua Mường Lay lúc nào không hay. Bởi vì câu chuyện đổi tên đã khiến các địa danh trên quốc lộ 12 trở nên rối bời trong ký ức. Thị xã Lai Châu (cũ) thành Mường Lay (mới), Mường Lay (cũ) thành Mường Chà (mới), còn một phần Phong Thổ (cũ) trở thành Lai Châu (mới)... Ký ức của một góc phố Lai Châu cũ với cờ đỏ sao vàng, với cây cầu sắt và nhà văn hóa bị bỏ quên vụt hiện lên như một thước phim. Đâu đó dưới lòng hồ thủy điện Sơn La kia là những hình ảnh cũ kỹ của một thị xã không bao giờ trở lại.
Chiều muộn, khi trên đỉnh núi chỉ còn rớt lại những tia nắng nhạt, thị xã Mường Lay trong hoàng hôn bình yên đến lạ kỳ. Đứng trên cầu bản Xá, nhìn xuống dòng sông Đà sau những ngày bão vơi, dòng nước đỏ nặng phù sa. Con sông Đà huyền thoại đã nuôi những người con xứ Thái nơi đây: những chiếc xuồng trở về sau đêm nặng cá, những con cá chiên da căng trơn bóng, con cá lăng thân dài màu xám và cả loài cá anh vũ “tiến vua” to bằng chuôi dao, chuôi hái... lại được các chị, các mẹ đem ra chợ bán.
Chạy dọc sườn sông Đà hai bên bờ, con đường xam xám màu chì mềm như dải lụa, những ngôi nhà sàn lợp ngói đá mái sát mái, ken nhau dày đặc. Đêm đến chén lẩu sơ đong đầy, sóng sánh cay nồng của chủ nhà đón khách. Mấy em gái Thái tuổi mười tám, đôi mươi mềm mại uyển chuyển cùng những điệu xòe Thái, làm say đắm lòng người. Từ cầu bản Xá, chúng tôi lại được thỏa sức ngắm Mường Lay dưới đêm trăng, ánh điện lấp lánh hắt lên từ những ngôi nhà sàn lợp ngói đá. Mặt sông như được dát một lớp bạc bởi ngàn con sóng lao xao vỗ nhẹ mạn thuyền. Mường Lay lung linh, huyền ảo, thật xa mà cũng thật gần. Chợt lại nhớ đến bài thơ “Gửi Lai Châu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Nơi con thác giữ nụ cười em lại
Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình
Tóc em đó như mùa màng gặt hái
Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh…
Lưu trú
1. Nhà khách UBND Thị xã Mường Lay
Địa chỉ: Thị xã Mường Lay, Điện Biên.
Điện thoại : 0230.385 2456.
2. Khách sạn Lan Anh
Địa chỉ: Phường Sông Đà, Thị xã Mường Lay, Điện Biên.
Điện thoại : 0230. 385 2370.
3. Khách sạn Him Lam II
Địa chỉ: Thị xã Mường Lay, Điện Biên.
Điện thoại : 0230.385 3235 – 0912 253 026.
4. Khách sạn Thanh Bình
Địa chỉ: Khu Đồi Cao, phường Sông Đà, Thị xã Mường Lay, Điện Biên.
Điện thoại : 0230.385 3719.
Xe khách đi Điện Biên – Mường Lay
1. Xe HẢI VÂN
Lịch trình 1: Mỹ Đình – Điện Biên
Giờ xuất bến : Tại Điện Biên: 19h15. Tại Mỹ Đình (Hà Nội): 19h30
Điện thoại: Tại Hà Nội 04.3722 3588 – 0988 882 727.
Lịch trình 3: Hà Nội - Mường Lay
Giờ xuất bến: Tại Mỹ Đình: 18h15. Tại Mường Lay: 14h00
Điện thoại: 0230.6277 277 – 098 888 2727
2. Xe TIẾN TUẾ
Lịch trình: Hà Nội – Điện Biên
Giờ xuất bến: Tại Mỹ Đình: 20h00. Tại Điện Biên: 20h00
Điện thoại: 0230 381 1791 – 0912 676 791
Địa chỉ: Số nhà 999 phố 9, P Him Lam, Điện Biên.
3. Xe LÊ DŨNG
Lịch trình: Hà Nội - Điện Biên – Mường Lay
Giờ xuất bến: Tại Mường Lay: 14h30. Tại Điện Biên: 17h30. Tại Mỹ Đình: 18h30
Điện thoại: 0230 3810 205 – 0915 055 694 – 0987 898 999
Mường Lay là một thị xã nằm ở phía bắc tỉnh Điện Biên. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính vào năm 2005, thị xã Lai Châu cũ được đổi thành huyện Mường Lay (mới), còn huyện Mường Lay (cũ) đổi thành huyện Mường Chà. Dân cư ở đây chủ yếu là người Thái trắng, một phần người Kinh và người Hoa. |
Bài: Duyệt Thành
Ảnh: Sưu tầm Internet