07:54 17/03/2007

Thủy điện Thác Mơ bán cổ phần: Thuận lợi và rủi ro

Hải Bằng

Điều kiện thiên nhiên là nhân tố rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Thủy điện Thác Mơ

Nhu cầu điện trong những năm tới sẽ còn tăng mạnh - Ảnh: TT.
Nhu cầu điện trong những năm tới sẽ còn tăng mạnh - Ảnh: TT.
Ngày 29/3, Công ty Thủy điện Thác Mơ (vốn điều lệ 700 tỷ đồng) sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài để thực hiện cổ phần hóa.

Số lượng cổ phần bán đấu giá là 14 triệu cổ phần phổ thông (chiếm 20% vốn điều lệ), giá khởi điểm là 20.000 đồng/cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần). Đây là cơ hội đầu tư dài hạn vào ngành điện bởi vì dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Thác Mơ sẽ hoàn thành vào năm 2010.

Đặc biệt, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được phép đăng ký mua toàn bộ 14 triệu cổ phần chào bán.

Theo Tập đoàn Điện lực (EVN), thuỷ điện đóng một vai trò đáng kể và đặc biệt quan trọng trong hoạt động cung cấp điện năng, năm 2005, tổng sản lượng cung ứng điện của cả nước là 11.351 MW, trong đó thủy điện chiếm 36,6%, nhiệt điện 18,2%, tuốc bin và diesel chiếm 40,8%, các nguồn khác chiếm 4,4%.

Công ty Thuỷ điện Thác Mơ nằm trên 1 trong 3 bậc thang thuỷ điện trên sông Bé, có nhiệm vụ chính là sản xuất điện năng, cung cấp điện cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đắc Nông, Tây Ninh và góp phần chống quá tải cho các trạm biến áp khu vực Tp.HCM.

Thuỷ điện Thác Mơ có công suất thiết kế là 150 MW (75 MW x 2 tổ máy) với thiết bị công nghệ sản xuất của Ucraina. Theo thiết kế, sản lượng điện sản xuất hàng năm của công ty là 610 triệu KWh. Từ năm 1995 đến năm 2006, sau 12 năm hoạt động, công ty đã sản xuất đạt sản lượng điện 8.338 triệu KWh (trung bình 695 triệu KWh/năm), vượt 14% so với thiết kế.

Sau cổ phần hoá, công ty sẽ chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với mức vốn điều lệ là 700 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữa 79,73%, bán ưu đãi cho người lao động 0,27% với giá bán bằng 60% giá đấu giá thành công bình quân và bán đấu giá ra bên ngoài 20%.

Dự án Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, công suất lắp máy 75MW, sản lượng điện bình quân 52 triệu KWh/năm, có tổng mức đầu tư 904,6 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến trong 4 năm, bắt đầu từ năm 2007 và hoàn thành năm 2010.

Trong giai đoạn từ 2007-2010, công ty bán điện cho EVN theo giá bán điện được Hội đồng Quản trị EVN phê duyệt là 404,46 VNĐ/KWh. Giá bán điện sẽ được thay đổi khi đưa Dự án Thủy điện Thác Mơ mở rộng vào khai thác.

Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Mơ sẽ kế thừa Hợp đồng mua bán điện giai đoạn 2007-2010 giữa EVN và Công ty Thuỷ điện Thác Mơ. Khi đưa dự án Thủy điện Thác Mơ mở rộng vào khai thác (dự kiến năm 2011) do mức trích khấu hao tăng đột biến và bắt đầu trả nợ vay, nếu không điều chỉnh giá bán điện lợi nhuận sẽ giảm đột biến ảnh hưởng đến cổ tức của các nhà đầu tư.

Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng là xây dựng thêm một nhà máy bên cạnh nhà máy hiện hữu, sử dụng chung hồ chứa nước. Nhà máy mở rộng bao gồm 1 cửa lấy nước, 1 đường hầm dẫn nước và đường ống áp lực, tổ hợp tua bin-máy phát với công suất 75 MW, thiết bị công nghệ tương đối giống với nhà máy hiệu hữu.
Dự án có 85% vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, 15% còn lại là vốn đối ứng của chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án khoảng 4 năm.

Theo kế hoạch, Nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng sẽ hoàn thành năm 2010 và đi vào hoạt động năm 2011. Sau khi nhà máy mới đưa vào vận hành sẽ nâng tổng công suất của nhà máy lên thành 225 MW (hiện tại 150MW), tổng sản lượng trung bình hàng năm lên thành 739 triệu KWh (hiện tại trung bình 693 triệu KWh).

Công ty Cổ phần Thác Mơ là chủ đầu tư dự án Nhà máy Thuỷ điện Thác Mơ mở rộng. EVN sẽ phối hợp với công ty cổ phần làm việc với các cấp có thẩm quyền và JBIC để chuyển hợp đồng vay vốn JBIC cho Công ty Cổ phần Thác Mơ hoặc EVN sẽ cho công ty cổ phần vay lại từ nguồn vốn vay JBIC để đầu tư dự án. Phần vốn đối ứng (15%) cho dự án trích từ nguồn vốn khấu hao sau khi trả nợ gốc vay.

Điều kiện thiên nhiên là nhân tố rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của Cty Thác Mơ. Sản lượng và hiệu quả của nhà máy thủy điện phụ thuộc chính vào nguồn nước. Trong trường hợp hạn hán kéo dài làm lượng nước tích trong hồ chứa thấp, ảnh hưởng lớn tới sản lượng điện sản xuất.

Ngoài ra, các thiên tai khác như lũ quét và mưa lớn có thể gây thiệt hại về đường xá và các công trình đê đập của nhà máy, gây ra sự cố trong việc phát điện và tăng chi phí sửa chữa. Trong quá trình vận hành, máy móc thiết bị của nhà máy có thể bị hỏng dẫn đến việc sản xuất bị gián đoạn làm cho sản lượng điện và doanh thu của công ty giảm sút.

Hiện tại, Công ty Thuỷ điện Thác Mơ đang tiến hành đầu tư Dự án Thác Mơ mở rộng. Trong trường hợp thời gian đầu tư dự án bị kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của công ty.

Đặc thù của ngành kinh doanh điện là giá mua và bán điện phụ thuộc vào sự điều chỉnh giá của Nhà nước. Biến động về giá bán điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, hiện nay công ty đã thoả thuận mua bán điện với EVN với mức giá 404,46 đồng/KWh trong giai đoạn 2007-2010. Đây là mức giá bán tương đối cạnh tranh khi thị trường phát điện cạnh tranh được thiết lập.