09:48 10/10/2011

THV tăng vốn: “Đã có phương án dự phòng”

Khánh Hà

Đại diện THV một lần nữa khẳng định phương án phát hành thêm lần này đã được chuẩn bị nhiều kịch bản và sẽ thành công

Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa
Sau khi VnEconomy có bài viết “THV: Quyết tăng vốn dù cổ phiếu giá bèo”, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) khẳng định, phương án phát hành thêm lần này đã được chuẩn bị nhiều kịch bản và sẽ thành công.

Theo báo cáo tài chính quý 2, THV có khoản nợ khá lớn. Vậy lần tăng vốn này có phải nhằm mục đích trả nợ không, thưa ông?

Đúng là quý hai vừa qua cơ cấu nợ của chúng tôi hơi cao. Thực ra mức nợ này đã giảm đi so với 31/12/2010.

Do bản chất của doanh nghiệp nông nghiệp, chúng tôi giành phần lớn vốn để xây dựng cơ bản: trồng cà phê, cao su, xây nhà máy. Vốn lưu động là cho thu mua nguyên liệu, nên cơ cấu nợ trên vốn cao, vì vốn để mua nguyên liệu phần lớn là phải vay.

Trước đây, do phát triển nóng, chúng tôi đã đầu tư vào một số dự án, trong đó có một số dự án đã được thu xếp vốn, một số thì chưa. Do đó có sử dụng một phần vốn ngắn hạn để đầu tư vào dự án dài hạn. Cụ thể, đến 30/6 chúng tôi có khoảng 400 tỉ đồng sử dụng lệch nguồn, dùng vốn ngắn hạn đầu tư một số dự án dài hạn, chăm sóc các vườn cây cà phê, cao su.

Kỳ này, chúng tôi tăng vốn và dựa vào tài sản hình thành nhờ vốn vay trước đây để cân đối lại. Đợt tăng vốn này chúng tôi cơ cấu lại một số khoản nợ và phần lớn còn lại để tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng tốc trồng cà phê là chủ yếu.

Hiện giá THV trên sàn thấp hơn giá phát hành khá nhiều. Vậy các ông có lường đến kịch bản cổ đông sẽ từ chối quyền mua và đợt phát hành sẽ bị ế?

Từ khi đại hội cổ đông, cũng không ai lường trước được thị trường sụt giảm như vậy. Khi đại hội thì giá THV vẫn trên 11.000 đồng. Trong chương trình phát hành, THV vẫn ưu tiên cho cổ đông hiện hữu. Nhưng khi đại hội xong, vì thị trường không được tốt và bổ sung hồ sơ nên bị chậm lại hai tháng và giá sụt giảm mạnh.

Chúng tôi cũng lường trước khả năng cổ đông hiện hữu từ chối quyền là cao nên đã có phương án dự phòng. Hiện nhóm cổ đông sáng lập và cổ đông lớn của THV nắm tới gần 70% lượng cổ phiếu, trong đó một cổ đông lớn là VinaCapital cũng chỉ sở hữu 6,7%. Riêng nhóm cổ đông gia đình của THV cam kết đảm bảo tỉ lệ sở hữu và mua đủ nên tôi nghĩ khối lượng bị ế cũng không nhiều.

Phương án dự phòng là gộp chung số lượng không phát hành được cho cổ đông hiện hữu và người lao động vào đợt đấu giá. Hiện chung tôi đã có đối tác nước ngoài cam kết giải ngân mua hết số này.

Sự cam kết này dưới dạng nào thưa ông? Hai bên mới chỉ thảo luận hay đã có văn bản chính thức?

Do thoả thuận của hai bên nên tôi chưa thể công bố cụ thể. Tuy nhiên, hai bên đã soạn thảo hợp đồng để họ tham gia mua khoảng 15 triệu USD. Trong tháng tới hai bên sẽ lên hợp đồng và ký kết và chúng tôi sẽ công bố công khai.

Tôi chỉ có thể khẳng định họ sẽ đảm bảo cho phương án phát hành tăng vốn lần này của THV thành công. Theo quy định, cuối tháng 11 tới mới chốt được lượng cổ phiếu bị từ chối mua, khi đó THV mới công bố lượng cổ phiếu đưa ra đấu giá, cũng như đối tác đăng ký tham gia đấu giá.

Đối tác này đã vào làm việc với THV hơn nửa năm nay. Hai bên đang thương thảo những điều khoản cụ thể trong hợp đồng về số lượng, mức giá bán cổ phiếu, quyền giám sát của đối tác với các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các dự án THV đang triển khai...

Vậy tại sao THV không chọn hình thức phát hành riêng lẻ, vừa đảm bảo thành công, vừa tăng uy tín của doanh nghiệp?

Thực tế THV không có nhu cầu tìm đối tác chiến lược. THV là doanh nghiệp mạnh trong lĩnh vực cà phê và có thể phát triển tốt. Bản thân khi đàm phán với đối tác, THVcũng đã nêu yêu cầu này và quỹ đầu tư nước ngoài cũng đồng ý. Họ cũng không muốn chịu ràng buộc về thời hạn nắm giữ cổ phiếu theo quy định. Bởi vậy, hai bên nhận thấy hình thức đấu giá là phù hợp.