Tích cực ứng dụng AI/ML, ngành kiểm thử phần mềm dự báo đạt 97 tỷ USD vào 2032
Theo dự báo của Global Market Insights, ngành kiểm thử phần mềm sẽ đạt giá trị 97 tỷ USD vào 2032 và xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo/máy học (AI/ML) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất, tự động hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng…
Chiều 10/12, sự kiện ngày hội dành cho cộng đồng kiểm thử phần mềm tại Việt Nam - TestCon Vietnam 2024 đã diễn ra với sự góp mặt của hơn 700 chuyên gia, kỹ sư đến từ các doanh nghiệp, trường đại học và cộng đồng kiểm thử trên cả nước. Đặc biệt, các diễn giả là chuyên gia đến từ FPT Software, VNG Corporation, Axon, Katalon, KMS Solutions, Testing VN, Test Mentor, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học RMIT Việt Nam.
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG AI/ML TRONG KIỂM THỬ PHẦN MỀM
Phát triển phần mềm đóng vai trò cốt lõi trong quá trình chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất, tự động hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Theo đó, sự xuất hiện của các công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo như: GitHub Copilot hay Amazon CodeWhisperer… đã đánh dấu bước chuyển mình lớn trong ngành phát triển phần mềm, mang lại những cơ hội và thách thức mới.
Nói về xu hướng kiểm thử phần mềm năm 2025, Trưởng nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật Katalon kiêm Nhà sáng lập TestMentor ông Bùi Thanh Sang cho biết, những xu hướng nổi bật định hình tương lai của kiểm thử phần mềm, từ ứng dụng AI/ML trong kiểm thử, kiểm thử liên tục, đến các công cụ hiện đại, bảo mật cùng với các chiến lược để thích nghi với những thay đổi và thách thức mới. Trong bối cảnh này, các kỹ sư kiểm thử cũng phải thích nghi bằng cách làm chủ các công cụ hiện đại để tự động hóa và tối ưu hóa quy trình làm việc.
Theo dự báo của Global Market Insights, ngành kiểm thử phần mềm được kỳ vọng sẽ đạt giá trị 97 tỷ USD vào năm 2032, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của lĩnh vực này trong hệ sinh thái công nghệ.
"Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành Đảm bảo chất lượng (QA), giúp quá trình kiểm thử trở nên nhanh chóng, thông minh và đáng tin cậy hơn bao giờ hết."
Bà Phạm Thị Ánh Hồng, QA Lead tại VNG Corporation.
Tại TestCon Vietnam 2024, các xu hướng kiểm thử phần mềm nổi bật trong tương lai đã được trình bày, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp Quality Engineering (QE) vào mô hình Agile và quy trình phát triển sản phẩm. Đồng thời, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trụ cột chính.
Ngoài ra, các ưu tiên như tăng cường an ninh mạng, cải thiện chất lượng dữ liệu kiểm thử, phát triển bền vững, và nâng cao kỹ năng chuyên môn cho các kỹ sư kiểm thử cũng được đặt lên hàng đầu.
Vai trò của AI trong QA, bà Phạm Thị Ánh Hồng, QA Lead tại VNG, cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành Đảm bảo chất lượng (QA), giúp quá trình kiểm thử trở nên nhanh chóng, thông minh và đáng tin cậy hơn bao giờ hết.
“Bằng cách tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại, đồng thời mở rộng phạm vi và nâng cao độ chính xác của kiểm thử, AI trang bị cho các đội ngũ QA một bộ công cụ mạnh mẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả và cải thiện kết quả công việc”, bà Hồng khẳng định.
Nói về chủ đề "Platform Engineering và những bài học thực tế", ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc khu vực ASEAN Công ty KMS Solutions, chia sẻ sự bùng nổ của công nghệ mới hiện nay không chỉ mở ra nhiều cơ hội mà còn đặt ra thách thức lớn cho các đội ngũ phát triển phần mềm. Ngoài những kinh nghiệm tổng quan về Platform Engineering - một mô hình tiên tiến giúp chuẩn hóa quy trình phát triển sản phẩm, việc ứng dụng các phương pháp kiểm thử hiện đại như shift-left, shift-right, codeless automation đã trao quyền cho đội ngũ phát triển, tối ưu hiệu suất công việc.
XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG, SÂN CHƠI KIỂM THỬ PHẦN MỀM
Tại TestCon Vietnam 2024, đa số các chuyên gia thừa nhận, trong khi các sự kiện dành cho nhà phát triển phần mềm ngày càng mở rộng cả về quy mô lẫn sức ảnh hưởng, các chương trình dành riêng cho kỹ sư kiểm thử vẫn còn khá hạn chế, thường chỉ giới hạn ở các buổi gặp gỡ nhỏ lẻ.
Do đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế của cộng đồng kiểm thử, TestCon Vietnam 2024 được tổ chức nhằm tạo ra một sân chơi chuyên nghiệp, nơi các kỹ sư kiểm thử có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành kiểm thử phần mềm tại Việt Nam.
Với vai trò là đơn vị tổ chức chính TestCon, ông Trần Kiến Uy, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Katalon, chia sẻ: Năm 2025 được dự đoán là năm bùng nổ của AI với những bước tiến vượt trội trong phát triển phần mềm. TestCon Vietnam 2024 được kỳ vọng sẽ trở thành một diễn đàn, sân chơi, nơi cộng đồng kiểm thử phần mềm không chỉ chia sẻ kinh nghiệm mà còn thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng AI để nâng cao chất lượng phần mềm và thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Nhờ đó, các doanh nghiệp và cộng đồng kiểm thử sẽ cải thiện, nâng cao chất lượng phần mềm tại Việt Nam.
Ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó Tổng giám đốc khu vực ASEAN của KMS Solutions, nhận định: TestCon Vietnam 2024 không chỉ mang đến cơ hội kết nối cộng đồng mà còn thúc đẩy ngành kiểm thử phần mềm Việt Nam vươn lên ngang tầm các quốc gia hàng đầu khu vực về chuyển đổi số.
"TestCon Vietnam 2024 mang đến những góc nhìn chiến lược về xu hướng công nghệ và kinh doanh toàn cầu, khơi gợi ý tưởng mới trong việc cải tiến quy trình kiểm thử phần mềm. Nhờ đó, giúp doanh nghiệp và cá nhân nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường toàn cầu nhờ vào sự kết hợp giữa con người, chiến lược và giải pháp kiểm thử tự động ứng dụng AI", ông Tài cho biết.
TestCon Vietnam 2024 đã tạo ra một nền tảng kết nối quan trọng, không chỉ dành cho kỹ sư kiểm thử mà còn thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và sinh viên ngành công nghệ thông tin. Sự kiện được chia thành 02 phần chính: Khám phá xu hướng và những đổi mới công nghệ tiên tiến trong kiểm thử phần mềm, đặc biệt là kiểm thử tự động, ứng dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) và trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm và rút ngắn thời gian phát triển; Đề xuất các giải pháp thực tiễn nhằm tối ưu hóa quy trình kiểm thử, giúp doanh nghiệp đo lường giá trị QA, xây dựng đội ngũ kiểm thử bền vững và thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả giữa các đội phát triển, kiểm thử và vận hành phần mềm.