21:42 08/12/2020

Tiêm chủng vaccine Covid-19: Việc tưởng dễ mà không dễ

An Huy

Sản xuất thành công vaccine Covid-19 chưa phải là trở ngại cuối cùng mà thế giới cần vượt qua trong trận chiến chống lại đại dịch toàn cầu này

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Sản xuất thành công vaccine Covid-19 chưa phải là trở ngại cuối cùng mà thế giới cần vượt qua trong trận chiến chống lại đại dịch toàn cầu này.

Mấy tháng qua, các nhà khoa học tham gia bào chế vaccine Covid-19 đã chiến thắng một loạt thách thức mà bình thường phải mất vài năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới có thể giải quyết. Đến thời điểm này, một số vaccine mà họ tạo ra đã cho kết quả khả quan trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, và đây thực sự là một thành tựu to lớn.

Dù vậy, khi bắt tay chuẩn bị một chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho hàng trăm triệu người trên toàn cầu, các hãng dược và giới chức y tế các nước tiếp tục đối mặt nhiều trở ngại nữa. Vẫn còn đó những câu hỏi chưa có câu trả lời, chẳng hạn mỗi loại vaccine có tác dụng phòng Covid-19 trong bao lâu. Lời giải cho những câu hỏi như vậy sẽ là chìa khóa để xác định thế giới còn cần tới khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm đại chúng, theo dõi tiếp xúc… ở cấp độ như thế nào và trong thời gian bao lâu nữa để chống lại virus corona chủng mới.

Dưới đây là một số trở ngại đối với việc triển khai vaccine Covid-19 mà giới phân tích chỉ ra:

PHÊ CHUẨN VACCINE

Ngày 8/12, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng Covid-19 bằng vaccine của hãng Pfizer, một tuần sau khi vaccine này được nhà chức trách Anh phê chuẩn. Giới khoa học hy vọng rằng động thái của Anh sẽ mở đường cho một loạt vaccine Covid-19 khác được phê chuẩn, sản xuất và phân phối.

Đến nay, thế giới đã có một số loại vaccine Covid-19 cho kết quả thử nghiệm khả quan, gồm vaccine của Pfizer đạt hiệu quả 95% trên thử nghiệm lâm sàng; vaccine của Moderna cho hiệu quả 94,5%; và vaccine của AstraZeneca cho hiệu quả bình quân 70%. Ngoài ra, còn có một số loại vaccine của Nga và Trung Quốc, nhưng dữ liệu thử nghiệm của các loại vaccine này còn khá hạn chế.

TRỞ NGẠI VỀ SẢN XUẤT

Thế giới cần có nhiều loại vaccine Covid-19 chứng tỏ được hiệu quả và an toàn, bởi việc sản xuất đủ vaccine để tiêm chủng cho người dân trên toàn cầu là một việc không hề dễ. Năm nay, các nhà máy dược phẩm và thiết bị y tế đã phải hoạt động hết công suất để sản xuất các sản phẩm như ống thủy tinh đặc biệt, kim tiêm, và các trang thiết bị khác phục vụ việc chống dịch, thậm chí sản xuất cả một số vaccine còn đang trong quá trình thử nghiệm.

Ban đầu, nguồn cung vaccine chắc chắn sẽ bị hạn chế. Pfizer cho biết hãng chỉ có thể đáp ứng nhu cầu vaccine cho khoảng 25 triệu người trong thời gian từ nay đến cuối năm 2020, và cho 650 triệu người trong năm 2021.

VẬN CHUYỂN VÀ LƯU TRỮ

Hãng tin Bloomberg đưa ra một ước tính cho thấy, việc dùng máy bay để vận chuyển số vaccine Covid-19 đủ tiêm cho dân số toàn cầu sẽ cần tới 8.000 máy bay chở hàng. Vấn đề phức tạp nhất là một số vaccine đòi hỏi phải được trữ đông ở nhiệt độ thấp tới âm 70 độ C. Gavi, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp các nước nghèo cải thiện công tác tiêm chủng, đặt mục tiêu có hơn 65.000 tủ đông để sẵn sàng trữ vaccine Covid-19 cho các quốc gia đang phát triển vào cuối năm nay.

Hầu hết các vaccine Covid-19 hàng đầu hiện nay, bao gồm vaccine của Pfizer, của Moderna và của AstraZeneca, đều cần 2 mũi tiêm. Vaccine của Johnson & Johnson có thể chỉ cần 1 mũi.

Nguồn nhân lực hạn chế cũng là một nhân tố khiến việc tiêm chủng khó có thể đẩy nhanh. Hãng tin Reuters lấy nước Anh làm ví dụ. Nhà chức trách nước này cho biết có thể thực hiện 5.000 mũi tiêm chủng Covid-19 mỗi ngày tại 42 trung tâm tiêm chủng. Nếu các trung tâm này hoạt động hết công suất 7 ngày mỗi tuần, thì sẽ có 77 triệu mũi tiêm được thực hiện trong 1 năm. Mỗi người cần tiêm 2 mũi, nên con số này đồng nghĩa với 38,5 triệu người được tiêm chủng Covid-19 tại Anh trong thời gian từ nay đến hết năm 2021, tương đương gần 70% dân số Anh - một tỷ lệ cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.

"CHỦ NGHĨA DÂN TỘC VỀ VACCINE"

Việc người dân của những quốc gia nào được tiêm chủng vaccine Covid-19 đầu tiên sẽ phụ thuộc nhiều vào thỏa thuận mà các chính phủ ký kết với các hãng dược. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), và Anh đã đặt mua hàng tỷ liều vaccine Covid-19 trong năm 2020, dù chưa rõ loại vaccine nào sẽ được phê chuẩn trước. 

Một số nước, chủ yếu là Mỹ, đã cam kết lượng vốn lớn để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine, giống như một cuộc chạy đua nhằm giành sự bảo vệ tốt nhất cho người dân của nước mình.

Theo Bloomberg, các chuyên gia về y tế cộng đồng cảnh báo rằng "chủ nghĩa dân tộc về vaccine" có thể khiến bệnh dịch kéo dài. Cách hiệu quả nhất để phân bổ vaccine là tiêm trước cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất và dễ tổn thương nhất, như nhân viên y tế và người già, trên toàn thế giới trước khi mở rộng sang các đối tượng khác.

NHỮNG CÂU HỎI CHƯA CÓ CÂU TRẢ LỜI

Có một số ít bệnh nhân Covid-19 mắc bệnh hai lần, đặt ra mối lo về khả năng bảo vệ suy giảm của vaccine. Chỉ có một số loại virus, như virus gây bệnh sởi, có thể tạo cho người bệnh khả năng miễn dịch gần như trọn đời sau khi mắc bệnh một lần và khỏi bệnh.

Đối với Covid, nghiên cứu ban đầu cho thấy ở những bệnh nhân bị mắc ở thể nặng và qua khỏi, mức kháng thể chống lại virus vẫn ở mức cao trong vài tháng sau đó. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy mức kháng thể này giảm dần theo thời gian, đặc biệt ở những ca thuộc thể nhẹ.

Những câu hỏi khác bao gồm vaccine sẽ có hiệu quả như thế nào ở người già và những nhóm có nguy cơ cao, cũng như độ an toàn của vaccine. Những người được tiêm vaccine sẽ cần phải được theo dõi trong nhiều tháng. Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp quyết định việc thế giới còn phải gắn bó với chiếc khẩu trang trong bao lâu.

SỰ LƯỠNG LỰ VỚI VACCINE

Tiêm chủng sẽ góp phần tạo ra miễn dịch cộng đồng, theo đó chặn đà lây lan của virus. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tiêm chủng vaccine Covid-19.

Nỗi sợ hãi mơ hồ về những mũi tiêm vaccine thời thơ ấu đi kèm rủi ro lớn có thể gây suy giảm tin tưởng vào việc tiêm chủng vaccine Covid-19 ở nhiều quốc gia. Tốc độ bào chế hết sức nhanh chóng của vaccine Covid-19 và mối lo về sự can thiệp chính trị vào quy trình này cũng dẫn tới sự e dè.

Các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ và Đức hồi tháng 9 năm nay cho thấy chỉ có khoảng một nửa dân chúng nói rằng họ sẵn sàng tiêm vaccine Covid-19 khi có thuốc. Tại 7 quốc gia ở châu Âu, tỷ lệ này đạt 68%. Miễn dịch cộng đồng chỉ đến khi có đủ tỷ lệ người dân trong một cộng đồng đã nhiễm bệnh hoặc đã được tiêm chủng, tức là đã có miễn dịch. Đối với Covid, tỷ lệ này ước tính dao động trong khoảng từ 55%-82%.