07:20 29/06/2023

Tiềm năng ngành nông nghiệp rất lớn nhưng vẫn khó thu hút đầu tư

Vũ Khuê

Trong hơn 900.000 doanh nghiệp của cả nước đang hoạt động thì chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Điều này cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương...

Đầu tư nông nghiệp bền vững là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp.
Đầu tư nông nghiệp bền vững là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” ngày 28/6, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh rằng khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao, đây chính là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp.

THU HÚT ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP CÒN NHIỀU RÀO CẢN

Để thực hiện điều này, bên cạnh người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, thì vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng cao. Thậm chí để thành công, người nông dân cũng sẽ cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp.

Nhìn lại bức tranh doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp những năm gần đây có thể thấy, ngày càng có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn. Để nông nghiệp Việt Nam bứt phá, phát triển mạnh hơn nữa, chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Tiềm năng ngành nông nghiệp rất lớn nhưng vẫn khó thu hút đầu tư - Ảnh 1

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, cũng thừa nhận, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay dù có chuyển biến nhưng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng so với tiềm năng.

Đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn thiếu yếu tố bền vững, chủ yếu đầu tư theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... nên mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa nhiều.

Ngoài ra, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng…

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết để đầu tư vào chăn nuôi, đầu tiên doanh nghiệp phải khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi có thể phát triển được.

Tiếp theo là thực hiện thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất… để chuyển dịch quyền sử dụng đất. Tiếp đó là thủ tục đầu tư, xây dựng… phải qua nhiều cơ quan và mất nhiều thời gian, công sức.

Việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao trên đất nông nghiệp hiện nay khá vất vả, bởi luồng suy nghĩ cho rằng biến đất ruộng thành đất ở.

Muốn trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại kể cả nơi ở cho người chăm sóc. Nhu cầu xây dựng trên đất nông nghiệp đang là vấn đề khó khăn cho nhiều nhà đầu tư cần tháo gỡ để phát triển.

Hiện nay, chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, nhưng việc tiếp cận chính sách trong thực tế rất khó khăn, như giá đất, thuế… Nếu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà phải tham gia đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia vì đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nhưng chi phí đất cao.

CẦN CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ ĐỦ MẠNH

Để đạt mục tiêu chuyển đổi, hướng tới “nông nghiệp đặt hàng” rất cần sự đồng hành của Chính phủ bằng những cơ chế hỗ trợ thiết thực.

Chủ tịch VCCI cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp luôn hàm chứa nhiều rủi ro khó lường trước, nên để đưa chính sách đi vào thực tiễn, Chính phủ và các địa phương cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp.

“Dẫu biết đầu tư vào ngành nông nghiệp là ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận thì mỏng, bấp bênh, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta, cơ hội thành công vì thế cũng rất lớn”, ông Phạm Tấn Công phát biểu.

Quan trọng hơn, người đứng đầu VCCI cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.

Đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn là cách để doanh nhân góp phần thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng là sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hà kiến nghị, các ngân hàng cần thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp. Có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh vì hiện nay lãi suất còn khá cao so với khả năng lợi nhuận nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư nông nghiệp.

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng đồng tình, cần có cơ chế về tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

Mặt khác, có chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến và phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, các vùng nguyên liệu tập trung. Các địa phương cần chọn lựa nhà đầu tư có quan điểm phát triển bền vững, có năng lực thực hiện dự án đúng cam kết.