Tiền co về phòng thủ, thanh khoản giảm sốc
Các nhóm cổ phiếu phục hồi nhẹ sáng nay trên nền thanh khoản rất thấp. Khía cạnh tích cực là áp lực bán đã giảm sau những phiên bán tháo mạnh. Blue-chips tiếp tục là các mã giữ nhịp thành công...
Các nhóm cổ phiếu phục hồi nhẹ sáng nay trên nền thanh khoản rất thấp. Khía cạnh tích cực là áp lực bán đã giảm sau những phiên bán tháo mạnh. Blue-chips tiếp tục là các mã giữ nhịp thành công.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết phiên sáng sụt giảm tới 36% so với sáng hôm qua, chỉ còn 16.254 tỷ đồng. Đầu tàu dẫn dắt thị trường phục hồi là nhóm VN30, giao dịch giảm tới 41%, đạt 4.491 tỷ đồng.
Tín hiệu sụt giảm thanh khoản có từ rất sớm, đặc biệt với nhóm VN30. Ảnh hưởng đầu tiên của tình trạng này là thị trường đánh mất động lực phục hồi. Nhịp hồi sớm chỉ diễn ra trong chưa đầy 30 phút sau khi bước vào phiên khớp lệnh liên tục. Trong hơn 1 giờ sau đó, lực bán tăng cao trở lại đẩy tất cả các nhóm cổ phiếu vào nhịp trượt dốc sâu hơn, kể cả blue-chips. VN30-Index lùi xuống dưới tham chiếu, giảm khoảng 0,25%, nhưng VN-Index giảm 0,61% và nhất là VNSmallcap giảm 2,09%.
Tuy vậy điểm khác so với nhịp lao dốc hôm qua là thanh khoản vẫn không lớn. Đây là tín hiệu về áp lực bán có phần giảm, nhất là với nhóm vốn hóa nhỏ. Điều kiện thuận lợi nữa là các blue-chips không bị bán nhiều, các mã trụ vẫn hoạt động tích cực ngay cả khi toàn thị trường đỏ.
MSN và HPG là hai cổ phiếu đáng chú ý nhất sáng nay khi đi ngược hướng chung ở nhịp điều chỉnh giữa phiên. Khi tất cả các chỉ số cùng đỏ, MSN vẫn duy trì được mức tăng trên 1%, HPG vẫn tăng trên 0,7%. Với lợi thế này, khi thị trường quay đầu phục hồi, không có gì bất ngờ khi MSN và HPG bật lên mạnh nhất. Chốt phiên sáng MSN tăng 2,74%, HPG tăng 2,16%, cộng cho VN30-Index xấp xỉ 5 điểm trong tổng mức tăng 8,58 điểm. Tuy nhiên với VN-Index, điểm số chỉ hơn 2,5 điểm, khiến mức tăng ở chỉ số này kém xa VN30 (+0,37% so với tham chiếu).
Với độ rộng không quá chênh lệch (15 mã tăng/13 mã giảm), nhưng VN30 vẫn là nhóm cổ phiếu giữ nhịp thành công. Chỉ số nhóm này chốt phiên sáng tăng 0,57%. Nếu không có hiện tượng suy yếu ở nhóm ngân hàng, đà tăng sẽ còn tích cực hơn nhiều.
Sau 2 phiên bật tăng bất ngờ, cổ phiếu ngân hàng sáng nay đồng loạt đảo chiều. Trong gần 30 mã trên cả 3 sàn thì chỉ còn TPB, OCB và VIB còn tăng. Các mã lớn nhất rất yếu là BID giảm 1,98%, CTG giảm 1,01%, VPB giảm 0.95%. Hiện đang có 13 cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh trên 1%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng phục hồi khá ấn tượng. Từ mức giảm trên 2%, chỉ số smallcap kết phiên giảm không đáng kể 0,01%, độ rộng cân bằng với 85 mã tăng/89 mã giảm. Midcap đã vượt tham chiếu 0,02%, độ rộng ghi nhận 40 mã tăng/23 mã giảm. Trên cả ba sàn có 25 mã kịch trần. Những mã đảo chiều khá ấn tượng là MCG từ giảm sát mức sàn -6,87% tăng lên kịch trần. HBC từ giảm 1,55% đảo ngược lên giá trần.
Tuy vậy tổng thể các cổ phiếu từ blue-chips tới penny đều phục hồi với thanh khoản thấp. Tín hiệu tích cực là áp lực bán hạ nhiệt sau những phiên tháo chạy, mở đường cho cầu bắt đáy yếu có thể đẩy giá quay đầu. Phía ngược lại, vẫn còn đó nhiều nhà đầu cơ mắc kẹt hàng chưa về tài khoản và đây sẽ là lực lượng tạo áp lực mới, nhưng lần này trong bối cảnh cầu đã suy yếu.
Nhóm smallcap sáng nay mới giao dịch 2.417,6 tỷ đồng, tương đương 39% phiên hôm qua. Midcap giao dịch 5.626,9 tỷ đồng, tương đương 45%. Đặc biệt động lực ở nhóm blue-chips không thấy “bóng dáng” cổ phiếu thanh khoản đáng chú ý nào. SSI đang giao dịch lớn nhất cũng chỉ đạt 695 tỷ đồng. HPG thậm chí tụt thanh khoản xuống 460,7 tỷ. Nhóm cổ phiếu tài chính với đại diện là chỉ số VNFINLEAD giao dịch còn chưa bằng một nửa sáng hôm qua (47%).
Lực cầu yếu chưa dẫn đến các ảnh hưởng lớn trên giá cổ phiếu do áp lực từ phía bán cũng thấp. Tuy nhiên khi giá hồi lên sẽ kích thích nhu cầu thoát hàng gia tăng trở lại. Đó mới là lúc thử thách dòng tiền. Việc hạn chế mua đuổi trong nhịp hồi là một chiến lược phòng thủ, thể hiện quan điểm ngại rủi ro.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua ròng 145 tỷ đồng, dồn vào chứng chỉ quỹ FUESSVFL (54 tỷ), TCH (30 tỷ), VHM (27 tỷ), VRE (21 tỷ). Phía bán ròng lớn nhất là VPB (-54 tỷ), KBC (-27 tỷ), PVD (-25 tỷ).