14:28 09/04/2008

Tiền ở Mỹ, gửi tại Việt Nam!

Việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam để gửi tiết kiệm có lợi cho các bên nhưng không được pháp luật bảo vệ

Nhu cầu vay mượn USD giữa người thân trong nước với Việt kiều là rất lớn.
Nhu cầu vay mượn USD giữa người thân trong nước với Việt kiều là rất lớn.
Nhiều Việt kiều ở Mỹ đã chuyển tiền về Việt Nam để gửi tiết kiệm hoặc cho người thân vay để làm ăn. Trong đó có những khoản tiền được vay từ ngân hàng. Chuyện làm ăn xuyên biên giới này có lợi cho các bên nhưng tiếc rằng lại không được pháp luật bảo vệ.

Thực tế thì từ năm 2005, pháp lệnh ngoại hối đã cho phép cá nhân trong nước vay tiền ở nước ngoài nhưng Ngân hàng Nhà nước lại "quên" hướng dẫn đã làm tắc dòng vốn ngoại tệ này, đẩy người dân phải vay mượn chui, phát sinh nhiều rủi ro.

Gửi tiền xuyên biên giới

Chị Hương, Việt kiều ở Mỹ, trong một lần về thăm quê đã phát hiện lãi suất ở Việt Nam quá hấp dẫn, nếu vay tiền đem về Việt Nam gửi tiết kiệm cũng đã lãi to.

Từ phát hiện này, chị đã thế chấp căn nhà để vay tiền ở Mỹ đem về nhờ người thân gửi tiết kiệm để hưởng chênh lệch. Nhờ có lý lịch tín dụng tốt, căn nhà mà chị thế chấp đã trả dứt nợ nên chị đã được ngân hàng cho vay khoảng 100.000 USD, trả góp trong 25 năm với lãi suất chỉ khoảng 7%/năm.

Tiền được gửi về Việt Nam qua nhiều đường và được người thân trong nước gửi tiết kiệm, chia ra nhiều món gửi ở nhiều ngân hàng với những kỳ hạn gửi dài, ngắn khác nhau để có thể cơ động trong việc sử dụng vốn. Chị tính vay tại Mỹ lãi suất là 7%/năm, gửi tại Việt Nam lãi suất VND là 9-12%/năm tùy kỳ hạn và thời điểm. Chênh lệch lãi suất là 2-5%/năm, nhiều hay ít tùy thuộc kỳ hạn gửi tại Việt Nam dài hay ngắn. Chị cũng đã lường về rủi ro tỉ giá.

Ở đầu bên kia, mỗi tháng chị ráng "cày" để trả cho ngân hàng, mỗi tháng góp 710 USD, trong đó tiền lãi 590 USD, vốn 122 USD. Các năm sau thì nhẹ hơn vì đã trả một phần vốn. Tiền gửi ở Việt Nam, lãi hằng tháng tương đương 1.000 USD, trừ đi 710 USD tiền lãi trả ở Mỹ, coi như hằng tháng "tay không bắt giặc" được 290 USD.

Phân nửa tiền lời này được chị dành hỗ trợ những người thân nghèo, còn lại để dành. Cái khó của chị là phải vất vả tìm cách chuyển tiền về Mỹ với phí khá cao mà lại không được "chính danh".

Cho vay mượn "lén lút"

Theo chị Hương, nhiều bà con Việt kiều và người trong nước quan tâm đến cách làm này. Đặc biệt là nhu cầu chuyển tiền tích cóp về Việt Nam để cho người trong nước vay mượn làm ăn, mua bất động sản, chứng khoán.

Tiền này chủ yếu chuyển về qua kênh kiều hối. Một phó giám đốc Ngân hàng cho biết từ nhiều năm qua, kênh kiều hối đã trở thành nơi chuyển dẫn vốn kinh doanh giữa người trong nước với kiều bào. Tiền kiều hối không chỉ còn vài trăm USD để giúp đỡ người thân mà lẫn trong đó có nhiều món chuyển tiền lên đến hàng chục ngàn thậm chí cả trăm ngàn USD, thực chất đó là tiền làm ăn. Đặc biệt năm 2007, kiều hối đạt trên 5 tỉ USD chủ yếu là do tiền làm ăn sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.

Thế nhưng chuyển tiền kiều hối là kênh chuyển tiền một chiều, không thể chuyển ngược ra để trả cho người ở nước ngoài. Trong khi Việt kiều muốn có một kênh chuyển tiền hai chiều, tiền có đi có về, để còn lo "hậu sự" ở nước ngoài. Từ đây đã hình thành những hình thức chuyển tiền chui với phí rất cao lại rủi ro.

Vì chưa có kênh chuyển tiền hai chiều nên việc cho vay mượn với người trong nước cũng kèm theo nhiều rủi ro cho bà con Việt kiều. Đã xảy ra những tranh chấp giữa Việt kiều và người trong nước được Việt kiều nhờ đứng tên tài sản và phần thiệt thường rơi vào bà con Việt kiều.

Cho phép trên giấy

Một Việt kiều cho biết đã tham khảo luật sư và được biết Việt Nam cho phép cá nhân trong nước vay tiền ở nước ngoài. Thế nhưng mới đây, khi hỏi thì ngân hàng cho biết chưa có hướng dẫn.

Một ngân hàng trả lời là chỉ có thể cho Việt kiều mở tài khoản để chuyển tiền về mua chứng khoán, góp vốn cổ phần chứ chưa thể dùng vào các mục đích khác. Với trường hợp này, tiền chỉ loanh quanh trên thị trường chứng khoán, không thể "lọt" ra ngoài trong khi mong muốn của kiều bào là tiếp vốn cho người thân ở trong nước.

Theo pháp lệnh ngoại hối ban hành cuối năm 2005, tại điều 17 có qui định cá nhân trong nước được vay nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với qui định của pháp luật. Cá nhân phải đăng ký khoản vay với Ngân hàng Nhà nước, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ. Khi đó, cá nhân được quyền mua ngoại tệ tại ngân hàng để thanh toán nợ gốc, lãi và phí có liên quan của khoản vay nước ngoài... và được ngân hàng chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán.

Những gì qui định trong pháp lệnh ngoại hối chính là tạo ra kênh chuyển tiền hai chiều, đảm bảo nguyên tắc tiền có đi có về, điều mà nhiều Việt kiều mong muốn. Theo một luật sư, điều này cũng cho phép bảo vệ quyền lợi của Việt kiều khi có xảy ra tranh chấp vì việc vay mượn này là hợp pháp. Chứ không như hiện nay Việt kiều thường bị thua vì đã cho vay "chui".

Nước ngoài thì được, kiều bào thì không

Việc Việt kiều vay tiền ở nước ngoài gửi tiết kiệm tại Việt Nam cũng là cách mà các nhà đầu tư nước ngoài đang làm, đó là khai thác chênh lệch lãi suất ngoại tệ thấp ở nước ngoài với lãi suất ở trong nước. Họ đã mang vào Việt Nam hàng tỉ USD để mua trái phiếu chính phủ và được pháp luật bảo hộ, có quyền mua ngoại tệ chuyển về nước. Với kiều bào thì pháp lệnh ngoại hối cho phép nhưng thiếu hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước nên họ phải làm "chui".

Một luật sư nói rằng Ngân hàng Nhà nước phải sớm cụ thể hóa những gì mà pháp lệnh ngoại hối đã cho phép. Sẽ có thêm hàng tỉ USD đổ vào Việt Nam, người dân trong nước có thêm vốn để làm ăn, có tiền, đầu tư chứng khoán, bất động sản...