12:35 05/12/2022

Tiền tiếp tục vào mạnh, vốn ngoại hạ nhiệt, NVL, HPX bị xả

Kim Phong

Vốn ngoại giải ngân trên HoSE sáng nay tụt xuống còn khoảng 12%, giải ngân trong rổ VN30 còn 15,6%. Tuy nhiên giá trị khớp lệnh sàn này vẫn tăng gần 39% so với sáng phiên trước. Điều đó nghĩa là dòng vốn trong nước đang tăng lên mạnh...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thu hút dòng tiền rất tốt và nhiều mã tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thu hút dòng tiền rất tốt và nhiều mã tăng mạnh.

Vốn ngoại giải ngân trên HoSE sáng nay tụt xuống còn khoảng 12%, giải ngân trong rổ VN30 còn 15,6%. Tuy nhiên giá trị khớp lệnh sàn này vẫn tăng gần 39% so với sáng phiên trước. Điều đó nghĩa là dòng vốn trong nước đang tăng lên mạnh.

Áp lực chốt lời vẫn xuất hiện và tạo nhiều đợt lùi giá ở cổ phiếu. VN-Index lùi nhiều nhất lúc 10h, chỉ còn tăng khoảng 3 điểm so với tham chiếu. Tuy nhiên chiến lược mua trong nhịp điều chỉnh vẫn được thực thi và lực cầu nhanh chóng đẩy giá phục hồi. Kết phiên sáng VN-Index đã tăng 13,95 điểm tương đương +1,29%, lên 1.093,96 điểm.

Điểm tích cực là đà tăng ở chỉ số tiếp tục được củng cố bằng độ rộng phù hợp. HoSE kết phiên với 344 mã tăng/103 mã giảm, trong đó 20 mã kịch trần và 166 mã tăng từ 1% trở lên.

Nhóm blue-chips tiếp tục là động lực chính của thị trường với chỉ số VN30-Index tăng 1,62%, độ rộng 26 mã tăng/2 mã giảm. Nhiều cổ phiếu bùng nổ xuất sắc có tác động mạnh mẽ. Trong nhóm ngân hàng, VPB có phiên tăng bùng nổ 5,2% trở thành cổ phiếu tạo điểm số nhiều nhất (1,5 điểm cho VN-Index). Tuy nhiên VPB không phải là mã ngân hàng khỏe nhất, chỉ là có lợi thế vốn hóa. KLB tăng 11,45%, LPB tăng 7%, BVB tăng 6,52%, VAB tăng 5,56%, STB tăng 5,52%... Chỉ có 2/27 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng không tăng được là MSB và VCB, đều đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên các sàn cũng tăng toàn bộ, trừ DSC giảm 0,29% và VFS tham chiếu. VIG và CTS tăng kịch trần, VND tăng 5,4%, FTS tăng 5,82%, SSI tăng 3,6%, HCM tăng 3,13%, VCI tăng 3,78%.

Nhóm bất động sản phân hóa đáng kể với loạt mã kịch trần là CEO, DRH, ITA, nhưng loạt khác bị xả mạnh, trong đó có cả NVL và HPX. NVL bước sang phiên giao dịch thứ ba chững lại sau khi tạo đáy. Lực bán đủ lớn để ép giá giảm 4,2% sáng nay với thanh khoản cao nhất thị trường 29,9 triệu cổ tương đương 694,5 tỷ đồng. HPX giảm 2,98% và là phiên giảm thứ hai liên tiếp, thanh khoản 20,5 triệu cổ tương đương 185,9 tỷ đồng. Ngoài ra VRE cũng giảm 0,79%, SZL giảm 2,9%, SGR giảm 1,7%...

VN-Index tiếp tục thể hiện nỗ lực hấp thụ áp lực chốt lời ngắn hạn.
VN-Index tiếp tục thể hiện nỗ lực hấp thụ áp lực chốt lời ngắn hạn.

Điều quan trọng sáng nay là thị trường tiếp tục thu hút được dòng tiền mạnh và vượt qua đợt chốt lời ngắn hạn. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết tăng 36%, đạt 9.554 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng 39%, đạt 8.664 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân của khối ngoại trên HoSE sáng nay đạt 1.120 tỷ đồng trong khi bán ra 587,3 tỷ, tương ứng mua ròng 532,7 tỷ đồng. VN30 được giải ngân 682,6 tỷ, bán ra 355,7 tỷ, đạt mức ròng +326,9 tỷ đồng.

Với mức mua vào của khối ngoại giảm xuống, trong khi tổng thanh khoản vẫn tăng mạnh, tức là phần vốn của nhà đầu tư trong nước cũng gia tăng. Thực vậy, trong Top 10 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường – và cũng là 10 mã duy nhất đạt giao dịch trên 200 tỷ đồng – thì bóng dáng cầu ngoại rất mờ nhạt. NVL thanh khoản cao nhất và gần như vắng bóng cầu ngoại. STB được mua vào khoảng 3,5 triệu cổ nhưng cũng chưa tới 15% thanh khoản. HPG được mua gàn 4,3 triệu cổ thì cũng chỉ chiếm 19%. VND, TPB, SSI, DIG... là các mã khác thanh khoản rất cao thì quy mô giải ngân của khối ngoại hầu như không có hoặc tỷ trọng không lớn.

Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước mạnh trở lại là một tín hiệu tốt, vì trước nay dòng vốn này mới là động lực chính. Vốn ngoại vào mạnh quanh vùng đáy, nhưng cũng có thể hạ nhiệt bất kỳ lúc nào. Vì thế cần có dòng vốn trong nước nổi lên để đảm bảo động lực bền vững hơn.