Tiền trốn biệt, thị trường có kỷ lục thanh khoản mới
Mức giao dịch thấp kỷ lục trong phiên hôm nay là kết quả của sự thận trọng cực cao và rụt rè từ phía người mua. Tổng giá trị khớp hai sàn cả ngày chỉ đạt hơn 14 ngàn tỷ đồng, kém nhất kể từ đầu tháng 2/2021...
Mức giao dịch thấp kỷ lục trong phiên hôm nay là kết quả của sự thận trọng cực cao và rụt rè từ phía người mua. Tổng giá trị khớp hai sàn cả ngày chỉ đạt hơn 14 ngàn tỷ đồng, kém nhất kể từ đầu tháng 2/2021.
Thị trường phiên chiều xuất hiện một đợt bán mới kéo khá dài, tuy không mạnh nhưng vì cầu quá kém dẫn đến cổ phiếu đa số giảm. VN-Index cũng bị đánh thủng tham chiếu lúc gần 2h. Kết phiên chỉ số mất 2,5 điểm tương đương 0,2%.
Hai sàn buổi chiều khớp thành công khoảng 5.472 tỷ đồng, giảm tới 39% so với chiều hôm qua. Rổ VN30 thậm chí chỉ giao dịch 2.545 tỷ đồng. Đây là con số gây nản, vì rõ ràng nhà đầu tư không hề mặn mà trong việc xuống tiền.
Mức giao dịch quá thấp này cũng xuất hiện cùng với nhịp bán ra kéo dài ngay từ đầu phiên chiều tới tận 2h. Cuối phiên sáng HoSE ghi nhận 212 mã tăng/136 mã giảm. Đến 2h chiều chỉ còn 146 mã tăng/209 mã giảm. Như vậy rất nhiều cổ phiếu đã bị xả tới giá đỏ và thanh khoản thấp là do cầu quá kém.
Dù vậy thị trường cũng không giảm quá nhiều. VN-Index sâu nhất mất 0,52% so với tham chiếu và đóng cửa mất 0,2%. Độ rộng cuối phiên còn 188 mã tăng/171 mã giảm.
Ba trụ mạnh nhất của VN-Index phiên sáng là VHM, VIC và TCB đều hạ độ cao chiều nay. VHM từ 108.500 đồng cuối phiên sáng giảm xuống 108.000 đồng lúc đóng cửa, còn tăng so với tham chiếu 1,31%. VIC từ 104.700 đồng xuống 104.000 đồng, còn tăng 0,97%. TCB từ 50.800 đồng xuống 50.300 đồng, tăng 1,62%.
VN30-Index đóng cửa giảm 0,32% trong khi cuối phiên sáng đang tăng 0,45% với 14 mã tăng/14 mã giảm. Rổ này đóng cửa với 9 mã tăng/21 mã giảm. Chừng đó cũng nói lên sự suy yếu của các blue-chips và VN-Index mất điểm chỉ là hệ quả. Trong số các mã còn tăng, ngoài TCB và VHM, có PLX tăng 1,32%, VRE tăng 2,62% và REE tăng 0,97%. Đó là các cổ phiếu mạnh nhất còn sót lại.
Độ rộng hẹp hơn nhiều so với phiên sáng và các trụ cũng giảm nhiều hơn. Nhóm ngân hàng tiếp tục kém khi VCB giảm 1,2%, BID giảm 0,73%, CTG giảm 1,2%. Nói chung các trụ và nhóm dẫn dắt nếu không nhờ VIC, VHM tăng tốt thì điểm số mất đáng kể hôm nay.
Tuy nhiên điểm nhấn phiên hôm nay không phải mức giảm mà là thanh khoản cho thấy nhà đầu tư không muốn giao dịch. Rõ ràng nếu hôm qua không đuổi giá xanh thì nhịp giảm hôm nay là một cơ hội tốt để vào hàng. Thế nhưng tâm lý đã thay đổi, nhà đầu tư không muốn xuống tiền thêm dù hôm qua còn vừa đuổi giá.
Không có nhóm cổ phiếu ngành nào tăng giá rõ ở phiên này. VIC, VHM, VRE đều tăng nhưng khó đại diện cho nhóm ngành mà chỉ là các mã có liên quan với nhau. Ngân hàng đa số giảm giá, số tăng toàn các mã rất nhỏ. Cổ phiếu chứng khoán lao dốc nặng với nhóm hàng đầu như SSI giảm 2,3%, HCM giảm 2,9%, VCI giảm 2,8%, MBS giảm 0,7%, BVS giảm 1,5%, số tăng cũng là các mã nhỏ như FTS, TVS, ORS, PSI... Cổ dầu khí thì GAS giảm 1,8%, PVS, PVC, PVD giảm dù PLX tăng. Cổ phiếu thép cũng chỉ có HSG tăng 1,13% là cá biệt...
Rất khó để nhận biết dòng tiền đang chuyển hướng như thế nào vì các mã đầu cơ là có khả năng đi ngược chiều, nhưng thanh khoản cũng nhỏ. TDM, FIT, FRT, DPG, HDG, LHG... cũng là các mã được đầu cơ riêng rẽ. Dù vậy sàn HoSE cuối ngày vẫn có 188 cổ phiếu tăng giá tức là cơ hội vẫn xuất hiện. Độ rộng vẫn thể hiện được sự phân hóa tăng giảm nhất định.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay tăng bán khá mạnh. Cuối phiên sáng giao dịch bán ròng được ghi nhận 1.162,9 tỷ đồng, trong đó 1.190 tỷ đồng là bán ròng VIC. Giao dịch tại VIC chỉ tăng nhẹ không đáng kể trong phiên chiều. Tuy nhiên tổng mức bán ròng vọt lên 1.391,5 tỷ đồng ở sàn HoSE. MSB, CTG, HDB, STB, KDH bị bán ra mạnh, nhiều mã khác cũng bán thêm. Phía mua không thay đổi nhiều, vẫn là VHM, VRE, HSG, HPG từ sáng.