12:27 03/04/2023

Tiền vào ào ạt sau tin giảm lãi suất, VN-Index tăng 1,18%, khối ngoại lạc điệu bán ròng

Kim Phong

Thị trường đã có phiên đầu tuần phản ứng khá mạnh với quyết định giảm lãi suất cuối tuần qua. Nhà đầu tư đổ xô vào vào, đẩy thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng vọt 72%, đạt 7.789 tỷ đồng, cao kỷ lục từ đầu năm...

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã không giữ được đà tăng ấn tượng đầu phiên do chịu sức ép bán ra.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã không giữ được đà tăng ấn tượng đầu phiên do chịu sức ép bán ra.

Thị trường đã có phiên đầu tuần phản ứng khá mạnh với quyết định giảm lãi suất cuối tuần qua. Nhà đầu tư đổ xô vào vào, đẩy thanh khoản khớp lệnh hai sàn tăng vọt 72%, đạt 7.789 tỷ đồng, cao kỷ lục từ đầu năm.

Độ rộng thị trường cũng rất tốt, HoSE ghi nhận 303 mã tăng/69 mã giảm, trong đó 164 mã tăng trên 1%. Tuy nhiên “độ nóng” vẫn giới hạn, chỉ có 9 mã đang chốt ở giá kịch trần. Số tăng trên 2% khoảng 94 mã.

Phản ứng của thị trường là khá tích cực, suốt dịp cuối tuần qua, nhà đầu tư “bứt rứt” chờ đợi phiên sáng nay. Lực cầu dâng cao ngay đầu phiên, chỉ vài phút sau khi mở cửa, VN-Index đã tăng 1,16% so với tham chiếu. Tuy nhiên mức chốt cuối phiên chỉ số cũng chỉ tăng 0,18%, nghĩa là gần cả phiên chỉ số chỉ đi ngang. Đó là một tín hiệu khá căng thẳng về cung cầu.

HoSE tăng thanh khoản sáng nay khoảng 67%, đạt 6.916 tỷ đồng. Đây cũng là mức thanh khoản phiên sáng cao nhất kể từ đầu năm 2023. Với dòng tiền mạnh, cổ phiếu tăng giá là bình thường, nhưng việc chỉ dao động ở mức giá cao và không có tiến triển trong cả phiên, rõ ràng lực cầu đang bị cân bằng lại bởi khối lượng bán ra cũng khá lớn, từ đó đẩy thanh khoản lên cao.

VN-Index hiện vẫn đang được các cổ phiếu lớn góp phần lớn điểm số. VIC tăng 6,73%, sát mức trần. VHM tăng 3,3%, TCB tăng 3,53%, CTG tăng 1,37%, MBB tăng 2,19%. 5 cổ phiếu mạnh nhất này cộng cho chỉ số tới 7,2 điểm, nghĩa là hơn một nửa mức tăng (12,51 điểm).

VN-Index chủ yếu tăng mạnh nhờ cú nhảy ngay sau lúc mở cửa, toàn thời gian còn lại chỉ có thể đi ngang.
VN-Index chủ yếu tăng mạnh nhờ cú nhảy ngay sau lúc mở cửa, toàn thời gian còn lại chỉ có thể đi ngang.

Thống kê tại HoSE, hiện chỉ có 50 cổ phiếu tăng giá và duy trì mức giá cao nhất phiên sáng, nghĩa là chiếm chưa tới 15% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch ở sàn này. Đại đa số cổ phiếu dù vẫn tăng giá, nhưng đang chịu sức ép kiềm chế nhất định và giá đã tụt xuống.

Như vậy thị trường vẫn đang có bên bán ra không hề yếu, dù điều kiện thị trường tốt khuyến khích nhóm này chọn giá bán cao hơn. VN30-Index tăng 1,34% nhưng vẫn còn 6 mã giảm/23 mã tăng. BCM, VJC, SAB, MSN, PLX, BID là các mã đỏ, đồng thời một số trụ khác tăng rất kém là VNM, VPB, GAS, VCB. Thực ra các mã này ban đầu cũng bay rất cao, nhưng sau đó bị xả và rơi xuống. VNM từ chỗ tăng 0,67% co lại còn 0,13%. VCB từ tăng 1,64% còn 0,22%. GAS từ +1,76% còn +0,59%...

Thị trường có 9 cổ phiếu đạt thanh khoản trên 200 tỷ đồng thì duy nhất MBB và TCB là không tụt giá. NVL tụt mạnh nhất, giảm tới 2,26% so với mức đỉnh; SHB tụt 1,38% lui về tham chiếu, các mã khác tụt 0,4% tới 0,7%...

Khối ngoại cũng gây bất ngờ khi ngược dòng hưng phấn chung, bán ròng 194,5 tỷ đồng trên HoSE. Khối này giảm mạnh mua vào còn 376,2 tỷ đồng trong khi xả 570,7 tỷ. STB bị bán ròng nhiều nhất -80 tỷ, SSI -53,2 tỷ, VND -51,6 tỷ, DCM -19,2 tỷ, MSN -18,3 tỷ. Phía mua có VIC +38,2 tỷ, VPB +11.5 tỷ là đáng kể.

Khối ngoại quay đầu bán ròng sau khi tuần trước đã xả ròng nhẹ 2/4 phiên, mức bán tổng hợp với cổ phiếu ở HoSE là -190,8 tỷ đồng. Mặc dù mức bán không nhiều nhưng điều đáng quan tâm là dòng vốn mới vào quỹ Fubon tiếp tục suy yếu nghiêm trọng. Điều này làm giảm sức mua, còn bên bán không quá đột biến.