21:31 23/05/2023

Tiếp cận tài chính toàn diện quốc gia: Hướng vào giới trẻ

Hoàng Lan

Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước khởi động chuỗi sự kiện truyền thông giáo dục tài chính “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023”, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia...

Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh.
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, đây là chuỗi sự kiện lớn nhất từ trước đến nay về truyền thông giáo dục tài chính dành cho sinh viên và giới trẻ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Theo Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023” bao gồm một chuỗi sự kiện sôi động nhằm thu hút giới trẻ.

Ban tổ chức kỳ vọng bên cạnh việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng về tài chính ngân hàng, đầu tư, khởi nghiệp… thông qua cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai 2023” hay chương trình talkshow “GenZ khởi nghiệp trong kỷ nguyên số”, chuỗi sự kiện sẽ mang đến cho các bạn trẻ trải nghiệm sử dụng các tiện ích, sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại tại chương trình triển lãm “Ngân hàng GenZ”.

Sinh viên trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số tại sự kiện "Nhà ngân hàng tương lai 2023"
Sinh viên trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số tại sự kiện "Nhà ngân hàng tương lai 2023"

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện còn có cuộc thi “Nhà ngân hàng tương lai năm 2023”, thu hút gần 200 đội đăng ký tham gia đến từ các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc.

"Tôi đánh giá cao các bạn sinh viên ở nhiều trường đại học đã tham gia sự kiện này. Qua cuộc thi này, sinh viên không chỉ nhận được kiến thức thiết thực cho cuộc sống mà các nhà tuyển dụng cũng có cơ hội tìm kiếm các ứng viên tiềm năng cho đội ngũ của mình. Thực tế, khi tuyển dụng nhân sự vào hệ thống ngân hàng, các nhà quản lý không chỉ tuyển dụng sinh viên từ các trường có ngành tài chính ngân hàng, mà còn rất nhiều ngành nghề khác như luật, quản trị kinh doanh, báo chí, công nghệ thông tin, ngoại thương, ngoại giao, ngoại ngữ, tin học, hoa học xã hội và nhân văn…", Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.

Với mục tiêu đổi mới sáng tạo, bên cạnh các vấn đề liên quan thiết thực tới người dân như hướng dẫn các kỹ năng thanh toán không dùng tiền mặt, các kiến thức, quy định về tiết kiệm, vay vốn, Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước đã lồng ghép kiến thức về các sản phẩm đầu tư như bảo hiểm, trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ tiền gửi... mà dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Vụ Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm truyền thông trên nền tảng mạng xã hội và nền tảng số liên quan đến giáo dục tài chính; góp phần nâng cao dân trí tài chính, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, việc truyền thông giáo dục tài chính cho người dân là 1 xu hướng của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm tăng cường tính minh bạch thông tin, hiểu biết về tài chính, minh bạch hóa pháp luật với người dân. Ngân hàng trung ương các nước cũng xác định nhóm đối tượng quan trọng trong chiến lược giáo dục tài chính toàn diện là giới trẻ. Đồng thời, cách thức truyền thông là lựa chọn các xu hướng truyền thông dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo và từ giới trẻ sẽ lan tỏa ra cộng đồng.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chiến lược đề ra là tăng cường hiểu biết tài chính cho người dân nhằm mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi và tạo thói quen tài chính lành mạnh, hiệu quả trong cộng đồng.