Đưa giới trẻ thành nhân tố thúc đẩy tài chính toàn diện
Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới mục tiêu tạo dựng thói quen tiết kiệm, nâng cao ý thức tích lũy từ mỗi cá nhân, hướng tới thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững...
Ngày 31/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Sparkassenstiftung Đức (DSIK) tổ chức chương trình Tọa đàm “Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả thúc đẩy tài chính toàn diện” và giao lưu “Tiết kiệm thông minh - Tương lai bền vững” nhằm hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới, tạo phong trào tiết kiệm trong xã hội, hướng tới đối tượng của tài chính toàn diện đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển bền vững.
Tại toạ đàm, chia sẻ về vấn đề tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng Tp.HCM cho rằng vấn đề tài chính cá nhân là một phạm trù rất rộng. Trong đó, trụ cột quan trọng là xây dựng và kiểm soát kế hoạch chi tiêu hiệu quả để có thể duy trì một mức tiết kiệm đều đặn. Bởi lẽ, nếu không thể gia tăng được thu nhập một cách nhanh chóng từ các khoản đầu tư thì chúng ta cần học cách theo dõi và quản lý chi tiêu hiệu quả.
Theo ông Trung, khi nói về quản lý tài chính cá nhân, mọi người thường coi là điều mặc nhiên phải biết vì ai cũng tiêu tiền. Hơn nữa, vấn đề tài chính cá nhân là vấn đề nhạy cảm khi được nhắc đến trong các cuộc trò chuyện. Chính vì vậy, người Việt thường không chia sẻ sâu về vấn đề này, chỉ khi va vấp vào các vấn đề tài chính thì bắt đầu mới nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
“Việc quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất cần thiết, giống như những kỹ năng khác, nó cần được hình thành thông qua quá trình rèn luyện. Không hẳn phải đến khi chúng ta đi làm có tiền thì mới bắt đầu quan tâm đến tài chính cá nhân. Mà kỹ năng này cần được rèn luyện ngay từ trên ghế nhà trường”, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Mỗi một lứa tuổi sẽ có những nhìn nhận, tư duy về tài chính khác nhau và cần có phương pháp hướng dẫn phù hợp. Đối với sinh viên, việc vận dụng những kiến thức về tài chính ngân hàng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào cho hiệu quả và tối ưu nhất là vấn đề không đơn giản. Do vậy, việc xây dựng những chương trình bổ trợ giúp sinh viên được trải nghiệm và áp dụng các nội dung lý thuyết trên giảng đường vào thực tiễn là hết sức cần thiết.
Bà Đào Thúy Hằng, Vụ phó Vụ Hợp tác Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước.
TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng khẳng định, khi mỗi cá nhân có năng lực quản lý tài chính hiệu quả sẽ giúp nâng cao khả năng tiết kiệm, thúc đẩy tích lũy tài sản cá nhân. Nhờ vậy, tổng tiết kiệm xã hội được nâng cao, tạo thêm lớp đệm chống sốc cho nền kinh tế cũng như mở rộng vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Ngoài ra, khi có tài sản tích lũy hay các khoản tiết kiệm, cá nhân mỗi người sẽ chủ động tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm chính thức từ các tổ chức tài chính để lưu trữ và lấy lãi, tránh lạm phát hằng năm. Điều này một lần nữa lại giúp thúc đẩy tài chính toàn diện.
“Do đó, bên cạnh sự nỗ lực triển khai chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, mỗi cá nhân, đặc biệt các học sinh, sinh viên hãy chủ động học tập hết mình, trau dồi kiến thức về tài chính, đặc biệt các kiến thức về sản phẩm tài chính - ngân hàng chính thức để tiếp cận đến sản phẩm tài chính phù hợp nhu cầu và tăng cường năng lực quản lý tài chính cá nhân bản thân”, ông Tú nhấn mạnh.
Là đơn vị được giao đầu mối triển khai chiến lược, kế hoạch hành động phát triển tài chính toàn diện, TS. Phạm Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một loạt nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên với kỳ vọng nâng cao sinh kế cho người dân, góp phần phát triển bền vững.
Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.
Thứ hai, phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý.
Thứ ba, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.
Thứ tư, hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện.
Thứ năm, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Thứ sáu, các giải pháp hỗ trợ khác.
Cũng theo TS. Phạm Minh Tú, mọi giải pháp đều hướng tới mục tiêu là tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm tài chính - ngân hàng của người dân. Trong đó, có giải pháp tập trung vào giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm giúp cá nhân nâng cao hiểu biết tài chính cần thiết cũng như năng lực quản lý tài chính cá nhân, giúp đảm bảo an toàn tài chính, hướng tới chủ động tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính.