Tiếp tục mất gần 20 điểm, VN-Index xuống sát đáy ngắn hạn
Áp lực tiếp tục đè rất nặng lên các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, cộng thêm hàng loạt blue-chips khác cũng giảm sâu, khiến thị trường lao dốc mạnh sang phiên thứ 3 liên tiếp. VN-Index đã về1.462,47 điểm, trong khi mức đóng cửa ở đáy ngắn hạn gần nhất là 1446,25 điểm...
Áp lực tiếp tục đè rất nặng lên các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, cộng thêm hàng loạt blue-chips khác cũng giảm sâu, khiến thị trường lao dốc mạnh sang phiên thứ 3 liên tiếp. VN-Index đã về1.462,47 điểm, trong khi mức đóng cửa ở đáy ngắn hạn gần nhất là 1446,25 điểm.
Toàn sàn HoSE kết thúc phiên sáng chỉ còn 62 cổ phiếu tăng giá, nhưng tới 405 cổ phiếu giảm giá. Nhóm blue-chips VN30 có đúng 3 mã tăng là VPB, MSN và VJC, trong khi 26 mã giảm.
Với độ rộng cực hẹp như vậy, thị trường đã rơi vào cảnh giảm toàn diện. Phân bổ giảm giá cũng rất tiêu cực, với 14 mã giảm sàn, 117 mã giảm trên 3%, 52 mã giảm trên 2%, 71 mã giảm trên 1%. Phân bổ giá này cho thấy mức độ tổn thương trên danh mục của nhà đầu tư là rất nặng.
Rổ VN30 cũng có 10 cổ phiếu giảm trên 1% và 8 cổ phiếu giảm trên 2%. Các trụ giảm sâu nhất và khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất là VHM giảm 2,26%, BID giảm 2,86%, GAS giảm 2,45%, VCB giảm 1,2%, HPG giảm 2,05%, VIC giảm 1,22%, MBB giảm 2,26%, GVR giảm 1,87%... Không khó để thấy ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản vẫn đang cực lớn.
Thị trường vẫn không hề xuất hiện thêm tin xấu đột ngột nào. Dĩ nhiên chứng khoán thế giới đêm qua (Việt Nam nghỉ giao dịch 1 ngày) giảm khá sâu và giá dầu cũng lao dốc. Tuy nhiên các phiên trước thị trường trong nước đã không phản ứng gì với những biến động bên ngoài. Thị trường trong nước vẫn đang chịu áp lực tâm lý là chính, vì ngay cả việc nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng bị bán nhiều thì cũng không có nghĩa các nhóm ngành khác bị “vạ” lây. Trạng thái giảm hàng loạt với biên độ lớn như vậy chỉ có thể là do hành động của đám đông.
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,88%, trong khi VN-Index giảm 1,32%, Midcap giảm 1,53% và Smallcap giảm 2,37%. Như vậy ngay trong bối cảnh giao dịch rất tiêu cực này thì nhóm blue-chips vẫn có biểu hiện khỏe nhất. Tuy vậy đã không có cổ phiếu nào đủ mạnh để nâng đỡ chỉ số chung: VPB tăng 1,68%, MSN tăng 1,05% (điều chỉnh giá kỹ thuật) và VJC tăng 0,51% có tác động hạn chế. Ngược lại, trong số 8 mã giảm hơn 2% của rổ blue-chips, xuất hiện các mã trụ cực lớn là BID, GAS, VHM và HPG.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ, vốn hóa nhỏ dĩ nhiên tổn thất nặng nhất. Trong 14 cổ phiếu giảm sàn, có đủ những cái tên quen thuộc như FLC, ROS, AMD, HAI, OGC, FTM, TGG...
Việc không có nhóm cổ phiếu dẫn dắt, nâng đỡ đang gây tổn hại lớn hơn trên VN-Index. Kể từ đỉnh cao nhất đầu tháng 4 đến sáng nay, VN-Index điều chỉnh giảm 4,08% trong khi VN30-Index giảm 2,97%. Điều này cho thấy các “siêu” trụ giảm gây áp lực là chính, vì VN30 đã điều chỉnh vốn hóa của các trụ trong VN-Index, trong khi cũng có các trụ riêng như VPB, MSN.
Bốc hơi 19,53 điểm trong sáng nay, VN-Index đã trải qua 3 phiên lao dốc cực nhanh và thoáng chốc đã quay trở về sát đáy ngắn hạn. Quanh ngưỡng hỗ trợ thị trường được trông đợi sẽ có cầu bắt đáy cũng như áp lực bán giảm đi. Thực tế thì thị trường vẫn đang dao động trong vùng đi ngang kéo dài suốt từ đầu năm 2022 và các lần kiểm định đỉnh cao lịch sử bất thành khiến nhà đầu cơ ngắn hạn có khuynh hướng bán ra ở vùng kháng cự và mua vào ở vùng hỗ trợ.
Sáng nay thamh khoản chỉ tăng nhẹ gần 7% trên hai sàn niêm yết, đạt 12.736 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng gần 5%, đạt 11.264 tỷ đồng. Thanh khoản không mạnh trong khi biên độ giảm giá rất lớn cho thấy nhà đầu tư đang thực hiện chiến lược chờ mua giá thấp.
Khối ngoại cũng đang gây áp lực bằng mức bán ròng khá lớn ở nhóm blue-chips. VN30 bị rút ròng 227,7 tỷ đồng và tổng giá trị bán ra đạt 538,4 tỷ đồng, chiếm gần 13% giá trị giao dịch của cả rổ. Trong khi đó toàn sàn HoSE chỉ ghi nhận bán ròng 350,5 tỷ đồng và giá trị bán ra chiếm chưa tới 7% sàn.
HPG đang bị xả lớn nhất với -60,2 tỷ, VPB -39,4 tỷ, VHM -38,4 tỷ, VRE -25,4 tỷ, STB -20 tỷ và PVD -27,7 tỷ, HCM -26,7 tỷ. Phía mua ròng chỉ có NVL +18,7 tỷ, PVT +15,8 tỷ là đáng kể.