09:29 12/04/2022

Giá phân bón khó hạ nhiệt: Chẳng nhẽ bó tay?

Mạnh Đức

Giá phân bón đã tăng cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và hàng chục triệu nông dân trong nước mà còn khiến sản phẩm nông nghiệp càng trở nên khó khăn hơn khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới... 

Trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm tỷ lệ tới 40 – 45% giá trị đầu vào. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp...
Trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm tỷ lệ tới 40 – 45% giá trị đầu vào. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp...

Mặc dù, giá xăng dầu đang có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, trên 100 USD/thùng. Trong khi đó, theo tính toán, sản xuất phân bón bao giờ cũng tính giá đầu vào dưới 100 USD/thùng. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, giá phân bón vẫn sẽ chịu tác động của giá xăng dầu và chúng ta phải chấp nhận việc thị trường phân bón sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2022, giá phân bón đã lập đỉnh, tạo nên mức giá cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân đầu tiên là giá xăng dầu tăng cao. Vì đây là nguyên liệu chính, cơ bản để sản xuất các loại phân bón. Đặc biệt, xăng dầu còn là nguyên liệu trực tiếp để sản xuất  một số loại phân bón vô cơ như phân đạm, phân urê…

Tiếp đến là các nguyên, vật liệu khác như một số hóa chất phục vụ sản xuất phân bón cũng đều tăng. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, lao động, logistics tăng cao cũng là những yếu tố tác động lên giá thành sản xuất phân bón.

Trong ngành sản xuất phân bón, nhiều nguyên liệu sản xuất của Việt Nam chưa tự sản xuất trong nước mà vẫn lệ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Chẳng hạn như phân bón DAP, MAP ta mới tự chủ được một phần, nhưng có những loại phân bón phải nhập khẩu hoàn toàn như Kali, đạm suphat.

Đặc biệt đối với Kali, mặt hàng này nhập khẩu vào đúng thời điểm xảy ra xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine dẫn đến gián đoạn nguồn cung, trong khi Việt Nam lại nhập khẩu 100% từ hai quốc gia này, nên giá lại càng tăng cao.

Việc tăng giá này đã tác động đến ngành sản xuất nông nghiệp và người nông dân như thế nào, thưa ông?

Trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm tỷ lệ vô cùng lớn, tới 40 – 45% giá trị đầu vào. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp. Giá đầu vào tăng, đồng nghĩa với giá đầu ra cũng tăng và điều này sẽ khiến các sản phẩm nông nghiệp càng khó khăn hơn khi hội nhập vào kinh tế thế giới. Đây là tác động không tốt đối với sản xuất nông nghiệp.

Phân bón DAP sản xuất trong nước mới đáp ứng được một phầncho nhu cầu của ngành nông nghiệp.
Phân bón DAP sản xuất trong nước mới đáp ứng được một phần
cho nhu cầu của ngành nông nghiệp.

Còn đối với hàng chục triệu nông dân, việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, cụ thể hơn là “túi tiền” của họ. Vì hiện nay, giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng cao, trong khi sản phẩm họ làm ra không tăng tương ứng.

Một trong những mục tiêu hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới là làm sao tăng thu nhập cho người nông dân. Để làm được như vậy, không còn cách nào khác là tăng sản xuất bằng các chính sách, cơ chế hỗ trợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính người nông dân đang phải chịu tác động trực tiếp từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng thời gian gần đây, Nhà nước cũng đã quan tâm nhiều hơn đến loại hình kinh tế tập thể (hộ nông dân, hợp tác xã), nhưng sự quan tâm này vẫn chỉ là “khẩu hiệu”, còn thực tế thì chưa thấy đâu. Thậm chí, những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế mà Chính phủ đưa ra vừa qua cũng không đến được với người nông dân, mặc dù họ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đây là điều rất bất cập, bất bình đẳng.

Để đảm bảo nguồn cung ứng trong nước, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên hạn chế hoặc tạm ngừng xuất khẩu phân bón. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tổng nhu cầu phân bón các loại mỗi năm khoảng 11 - 12 triệu tấn. Mặc dù tổng khối lượng phân bón sản xuất hàng năm đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón.

Cụ thể, phân bón SA và Kali do trong nước không có nguồn nguyên liệu để sản xuất nên phải nhập hoàn toàn. Đối với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, sản lượng sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Phân lân và NPK, sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu của ngành trồng trọt.

Riêng với phân bón Urê, năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã vượt xa nhu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, sản lượng phân bón Urê từ các nhà máy như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ đã đạt 2,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ cần 2,2 triệu tấn. Hơn nữa, quý 1 và đầu quý 2 là thời điểm vào vụ thu hoạch nên nhu cầu sử dụng phân bón chưa cấp thiết.

Trên cơ sở đó, một số doanh nghiệp đã đề nghị được xuất khẩu để điều tiết hài hòa giữa hoạt động tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giúp duy trì sản xuất liên tục và giảm tồn kho, dư thừa nguồn cung nội địa.

Năng lực sản xuất phân bón Urê của doanh nghiệp trong nước đã vượt nhu cầu.
Năng lực sản xuất phân bón Urê của doanh nghiệp trong nước đã vượt nhu cầu.

Xét về mặt lưu thông hàng hóa, việc hạn chế xuất khẩu phân bón là để giữ được mặt bằng giá, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, đồng thời kìm hãm tốc độ tăng giá của mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, nếu xét về quá trình hội nhập, trong khi sản xuất đang dư thừa mà không cho xuất khẩu sẽ tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tôi cho rằng vấn đề ở đây chính là sự điều phối của các cơ quan quản lý. Khi cân đối cung cầu trong mước đã đủ thì nên cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp xuất khẩu, không nên tạm dừng hoặc hạn chế. Thậm chí, nếu không cho xuất khẩu thì việc kéo giá phân bón xuống là rất khó.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2022, lượng phân bón xuất khẩu của cả nước đạt 352.672 tấn, tăng 69,9% so với cùng kỳ năm 2021, thu về gần 241,68 triệu USD, tăng 280,6% về kim ngạch. Giá phân bón xuất khẩu trung bình đạt 685,3 USD/tấn, tăng  tới 124% so với cùng kỳ năm trước.

Con số thống kê này cho thấy thực chất của vấn đề, có cầu ắt có cung. Ta sản xuất dư thừa mà nhu cầu thế giới cần tại sao không xuất khẩu, trong khi đã cân đối đủ nhu cầu trong nước ?

Giá phân bón được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao và sẽ khó “hạ nhiệt”. Ông nhận định như thế nào về điều này?

Thời gian qua, giá xăng dầu đã tăng rất cao, thậm chí có thời điểm chạm ngưỡng 140 USD/thùng. Mặc dù hiện nay đang giảm bằng nhiều biện pháp khác nhau của các nước như tăng sản lượng khai thác, mở kho dự trữ, nhưng giá vẫn ở mức cao trên 100 USD/thùng.

Trong khi đó, theo tính toán, sản xuất phân bón bao giờ cũng tính giá đầu vào dưới 100 USD/thùng. Ngoài ra, giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón cũng đã tăng cao.

Từ phân tích này, tôi cho rằng giá phân bón vẫn sẽ chịu tác động của giá xăng dầu. Cho dù, tới đây giá phân bón và giá các hàng hóa khác có thể giảm nhưng không thể giảm về mức trước đây, hoặc có thể giảm nhưng vẫn đứng ở mức độ cao và cao như thế nào còn tùy vào tình hình cụ thể trong thời gian tới. Chúng ta phải chấp nhận việc thị trường phân bón sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới.

Theo ông, làm thế nào để giảm áp lực tăng giá phân bón trong thời gian tới?

Phân bón là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, thời gian vừa qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã cùng với các cơ quan chức năng, cụ thể ở đây là Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm để bàn giải pháp làm sao để giảm áp lực tăng giá phân bón.

Bên cạnh đó, khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước tăng sản lượng phân bón hữu cơ để giảm áp lực phụ thuộc vào phân bón vô cơ. Đến nay, sản lượng phân bón hữu cơ cũng đã đạt xấp xỉ 3 triệu, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Một trong những mục tiêu quan trọng của chuyển đổi kinh tế nông nghiệp sang sản xuất xanh, sạch, sinh thái và bền vững là giảm sử dụng và phụ thuộc vào phân bón vô cơ, tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón hữu cơ từ các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp.

Điều này không những giúp tăng năng suất, sản lượng mà còn là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tác động trực tiếp từ giá phân bón, qua đó giảm giá thành sản xuất phân bón và hướng đến nền sản xuất bền vững hơn.