15:46 29/09/2007

Tiêu chí nước công nghiệp của Việt Nam năm 2020

Hà Đăng

Có ba nhóm tiêu chí nước công nghiệp mà nền kinh tế Việt Nam hướng tới vào năm 2020

Nếu đạt được các tiêu chí định lượng, đến năm 2020, Việt Nam cũng mới chỉ đạt mức tương đương với nền kinh tế Thái Lan ở thời điểm hiện nay.
Nếu đạt được các tiêu chí định lượng, đến năm 2020, Việt Nam cũng mới chỉ đạt mức tương đương với nền kinh tế Thái Lan ở thời điểm hiện nay.
Với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, Đại hội IX của Đảng (2001) đề ra mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tuy nhiên, tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại như thế nào thì chưa được nêu cụ thể, điều đó chắc chắn sẽ được giải quyết trong một chiến lược phát triển mới. Có thể là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.

Dẫu sao từ nhiều năm nay, những tiêu chí ấy cũng đã được đề cập một cách khái quát trong một số văn kiện của Đảng hoặc trong các tài liệu của các cơ quan nghiên cứu và chuyên gia kinh tế nước ta. Và các tiêu chí này Việt Nam không tự đặt cho riêng mình mà còn tham khảo những tiêu chí chung của các nền kinh tế công nghiệp mới trên thế giới.

Tổng quát lại, có thể nêu lên ba nhóm tiêu chí mà nền kinh tế Việt Nam hướng tới năm 2020 như sau:

Nhóm 1 gồm các tiêu chí về tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Các tiêu chí này phản ánh trình độ công nghiệp hoá của một nước. Đó là: (1) Quy mô (GDP); (2) Tốc độ tăng GDP/năm; (3) GDP bình quân đầu người; (4) Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người/năm; (5) Tỷ trọng giá trị nông nghiệp trong GDP; (6) Tỷ trọng giá trị công nghiệp trong GDP; (7) Tỷ trọng giá trị dịch vụ trong GDP; (8) Tỷ lệ xuất khẩu hàng chế tác trong xuất khẩu hàng hoá; (9) Tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao trong tổng xuất khẩu hàng chế tác; (10) Điện sản xuất bình quân đầu người; (11) Tỷ lệ đường bộ rải nhựa.

Nhóm 2 gồm các tiêu chí phản ánh sự phát triển về mặt xã hội. Các tiêu chí này cũng góp một phần vào việc xác định mức tăng GDP bình quân đầu người. Đó là: (1) Dân số; (2) Tốc độ tăng dân số hàng năm; (3) Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo; (4) Tỷ lệ dân số thành thị; (5) Chỉ số phát triển con người (HDI); (6) Tỷ lệ chi phí cho giáo dục trong GDP; (7) Tỷ lệ trẻ em nhập học ở cấp tiểu học, trung học; (8) Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động; (9) Tỷ lệ chi phí cho y tế trong GDP; (10) Tỷ lệ dân số được chăm sóc y tế (11) Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch; (12) Chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Gini).

Nhóm 3 gồm các tiêu chí đánh giá mức độ hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là: (1) Giá trị xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ; (2) Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ; (3) Vốn FDI; (4) Mức nợ nước ngoài và tỉ trọng so với GNI.

Từ các nhóm tiêu chí định tính cơ bản nêu trên, cần để ra các tiêu chí định lượng cần đạt tới vào năm 2020.

Để Việt Nam có vị thế nhất định trong khu vực, GDP của nước ta phải đạt mức trung bình của 4 nước có GDP cao nhất hiện nay trong ASEAN, là Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia (vào khoảng 200 tỷ USD) và tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm phải ở mức hai con số. Bởi nếu tiếp tục nhịp độ tăng trưởng như hiện nay (10 năm tăng gấp đôi), thì đến năm 2020, Việt Nam vẫn sẽ thua xa mức thu nhập bình quân đầu người/năm tại khu vực ASEAN.

Theo một số tài liệu nghiên cứu tin cậy, tiêu chí định lượng mà Việt Nam cần và có thể đạt được vào năm 2020 đại thể là như sau:

Về kinh tế: GDP 180 - 200 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP/năm giai đoạn 2006- 2020: 9,2-10%. GDP bình quân đầu người: 1.800-2.000 USD. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người/năm giai đoạn 2006/2020: 7,9-8,6%.

Tỷ trọng giá trị nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong GDP: 10-44-46%. Tỷ lệ xuất khẩu hàng chế tác trong tổng xuất khẩu hàng hoá: 75%. Tỷ lệ xuất khẩu hàng công nghệ cao trong tổng xuất khẩu hàng chế tác: 30%. Điện bình quân đầu người: 2.200 Wh/người. Tỉ lệ đường bộ rải nhựa (tỉnh, huyện, xã): 50-100%. Giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ: 108 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm: 9,4%. Vốn FDI: 2.384 triệu USD.

Về xã hội: dân số 100 triệu người. Tốc độ tăng dân số hàng năm dưới 1%. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo (theo tiêu chí quốc gia có tham khảo tiêu chí của LHQ): dưới 5%. Tỉ lệ dân số thành thị: 50%. Chỉ số HDI: 0,8. Tỉ lệ chi phí cho giáo dục trong GDP: 5%. Tỉ lệ trẻ em nhập học trong tiểu học, trung học: 100%. Tỉ lệ chi phí cho y tế trong GDP: 4,1%. Tỉ lệ dân số sử dụng nước sạch (thành thị và nông thôn): 100%.

Nếu đạt được các tiêu chí định lượng này, đến năm 2020, Việt Nam cũng mới chỉ đạt mức tương đương với nền kinh tế Thái Lan ở thời điểm hiện nay. Vì vậy, các tiêu chí định lượng nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, định hướng.

Từng ngành cần định ra các chỉ tiêu riêng phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế và đặc thù phát triển theo từng thời kỳ, vả chăng sự so sánh vị thế của Việt Nam với các nước trong khu vực chỉ có tính chất tương đối tại thời điểm mà các nước đó đã được thế giới coi là những nước công nghiệp mới.