Tiêu dùng của người Việt ở nông thôn tăng trưởng cao hơn thành thị dịp Tết 2025
Xu hướng tiêu dùng hàng FMCG của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán 2025 dự báo sẽ tăng trưởng từ 1 - 3%, với khu vực nông thôn có mức tăng cao hơn thành thị...
Theo dự báo của Kantar, mức tăng trưởng FMCG trong dịp Tết 2025 sẽ đạt từ 1 - 3%, với khu vực nông thôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn thành thị. Đây là tín hiệu tích cực từ sự phục hồi kinh tế, mặc dù năm qua có những sự kiện đặc biệt như bão Yagi và lũ lụt miền Bắc gây thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, tác động tới tài chính người tiêu dùng không quá lớn.
Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) đã tăng từ 67% trong quý 4/2023 lên 78% trong quý 1/2024. Mặc dù thế, người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu bởi những lo ngại về lạm phát và bất ổn kinh tế.
Đặc biệt là trong những năm gần đây, tỷ lệ chi tiêu cho FMCG trong dịp Tết đã giảm. Cụ thể, chi tiêu cho FMCG trong Tết 2019 chiếm 21% tổng chi tiêu cả năm ở các thành phố lớn, nhưng đến Tết 2024, tỷ lệ này giảm còn khoảng 19%. Tổng giá trị tiêu dùng FMCG trong năm 2024 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, nhưng mức tăng trưởng chỉ ở mức 1 - 2 % so với năm trước.
Điều này cho thấy, người dân đang dần hạn chế chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và có xu hướng đơn giản hóa và ưu tiên các sản phẩm có giá trị lâu dài.
Cụ thể, ngành hàng được ưa chuộng trong Tết 2025 được dự đoán như sau:
- Dinh dưỡng và thực phẩm chức năng (tăng 45%): Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, ưu tiên các sản phẩm từ thiên nhiên, bổ sung dinh dưỡng nhằm chuẩn bị cho một năm mới tràn đầy năng lượng.
- Chăm sóc cá nhân (43%): Dịp Tết là cơ hội để làm mới bản thân. Gen Z và Millennials đặc biệt chi tiêu vào các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và vệ sinh cá nhân, với nhu cầu cải thiện diện mạo tức thì.
- Thời trang và phụ kiện (45%): Thời trang vẫn luôn là tâm điểm mua sắm Tết. Việc sắm sửa trang phục mới không chỉ là truyền thống mà còn mang ý nghĩa cầu chúc may mắn trong năm mới.
- Đồ ăn và đồ uống không cồn (42% và 38%): Các sản phẩm này luôn là phần không thể thiếu trong các bữa tiệc Tết, góp phần tạo nên không khí sum vầy trong mùa lễ hội.
Ngoài ra, cũng có sự khác biệt về thời gian và mức độ mua sắm giữa nông thôn và thành thị. Ở khu vực nông thôn, khi nhiều người từ thành phố về quê ăn Tết, chi tiêu sẽ tăng mạnh và kéo dài thời gian mua sắm, thậm chí kéo dài đến một tuần sau Tết khi người dân quay lại thành phố. Thời gian mua sắm Tết ở nông thôn có thể cao gấp 2 - 3 lần so với chi tiêu tuần thường.
Ngược lại, tại các thành phố lớn, nhịp độ mua sắm sẽ nhanh và dồn dập hơn, thường kết thúc trước Tết. Sự cạnh tranh gay gắt trong thời gian ngắn đòi hỏi các thương hiệu phải có chiến lược quảng cáo, khuyến mãi sắc bén và đúng thời điểm để thu hút người tiêu dùng.
BA THAY ĐỔI CHÍNH TRONG XU HƯỚNG TIÊU DÙNG TẾT 2025
Dựa trên khảo sát tiêu dùng của Kanter Worldpanel tại 4 thành phố lớn và khu vực nông thôn, có 3 điểm thay đổi chính trong xu hướng tiêu dùng Tết 2025 của người Việt.
Thứ nhất, người tiêu dùng trong dịp Tết 2025 sẽ tiếp tục ưu tiên các sản phẩm thiết yếu và hữu ích như đồ gia dụng, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thực phẩm đồ uống không cồn. Sự thay đổi này phản ánh sự đơn giản hóa trong việc lựa chọn sản phẩm và sự chuyển hướng từ những buổi tụ họp đông đúc sang các hoạt động gia đình, cá nhân.
Đồng thời, các quy định nghiêm ngặt về việc lái xe khi sử dụng đồ uống có cồn sẽ khiến sản phẩm như rượu bia và bánh kẹo giảm sút trong giỏ hàng Tết, dù chúng vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Thứ hai, sự thay đổi rõ rệt trong xu hướng lựa chọn quà Tết 2025 khi người tiêu dùng ưu tiên các bộ quà tặng thiết thực và có chi phí hợp lý hơn các sản phẩm FMCG truyền thống.
Khảo sát của Kantar cho thấy số lượng hộ gia đình nhận quà Tết từ các mặt hàng FMCG đang giảm dần. Điều này phản ánh sự thay đổi trong thói quen tặng quà, với người tiêu dùng tìm kiếm những món quà có giá trị sử dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tế của gia đình như dầu ăn, gia vị, và các sản phẩm tốt cho sức khỏe như hạt, sữa chua, yến hơn là các sản phẩm tiêu dùng phổ biến trước đây như bia hay bánh kẹo.
Thứ ba, xu hướng du lịch Tết ngày càng phổ biến. Sau những năm đối mặt với dịch bệnh và căng thẳng trong công việc, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm sự thư giãn qua các chuyến du lịch trong dịp Tết.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy số lượng các chuyến du lịch nội địa và quốc tế trong dịp Tết 2024 đã tăng đáng kể. Điều này cho thấy, du lịch không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn trở thành xu hướng quan trọng trong cách thức ăn Tết hiện đại. Bên cạnh đó, quà Tết cũng trở nên đa dạng hơn, với các lựa chọn như tiền mặt, sản phẩm gia dụng, thời trang thay vì các sản phẩm FMCG truyền thống.
Mặc dù có sự thay đổi trong cách thức tiêu dùng, Tết 2025 vẫn là dịp đặc biệt đối với người Việt Nam. Sau những tác động phức tạp từ nền kinh tế và môi trường sống trong những năm qua, người tiêu dùng có xu hướng đón Tết một cách trầm lắng và thư giãn hơn. Người Việt cũng giảm bớt các buổi tụ tập đông người, đơn giản hóa các hoạt động chuẩn bị Tết, và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bản thân.