09:58 29/09/2022

Tìm giải pháp để "Tái tạo đô thị bền vững"

Minh Hà

Chiều 28/9, tại thành phố HCM đã diễn ra hội thảo “Tái tạo đô thị bền vững và tái sử dụng thích ứng” nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội tăng trưởng kinh tế dựa trên văn hóa và bảo tồn di sản…

Các diễn giả tại hội thảo “Tái tạo đô thị bền vững và tái sử dụng thích ứng” được tổ chức vào chiều 28/9 tại TP.HCM.
Các diễn giả tại hội thảo “Tái tạo đô thị bền vững và tái sử dụng thích ứng” được tổ chức vào chiều 28/9 tại TP.HCM.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện “Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế” (HPED) lần thứ 6 do Tổng Lãnh sự Quán Italia tại TP.HCM, Công ty S&A Architecture cùng với sự bảo trợ của Hiệp hội Italy-ASEAN, Thương vụ Italia tại Việt Nam, Hiệp hội Kiến trúc Venice, Đại học RMIT và Aria Collectives tổ chức tại TP.HCM. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội tăng trưởng kinh tế dựa trên văn hóa và bảo tồn di sản…

Ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam cho biết, đến năm 2050, các đô thị sẽ là nơi sinh sống của 2/3 dân số thế giới. Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh chóng, các di sản lịch sử trên thế giới đang phải chịu áp lực ngày càng lớn. Do đó, cần phải cân nhắc mối quan hệ giữa con người và các vùng lãnh thổ. Đây cũng là chủ đề mà thành phố Rome đã chọn để ứng cử đăng cai Triển lãm World Expo 2030.

Thuật ngữ “Tái sử dụng thích ứng” là một biện pháp cải tạo xây dựng phổ biến ở các nước phát triển nhằm mục đích cập nhật hoặc điều chỉnh các công năng của các tòa nhà hiện hữu. Tái sử dụng thích ứng hướng đến mô hình bảo vệ toàn diện về mặt lịch sử, con người, cảnh quan, chỉ số hạnh phúc…

Ông Luigi Campanale, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc thiết kế Công ty S&A Architecture đã giới thiệu mô hình phát triển và bảo tồn thương cảng Sài Gòn cũ tại Quận 4, TP.HCM. Ông cho rằng, sự chuyển đổi của thế giới từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, các công trình tiêu biểu, vốn là các khu đất bị bỏ hoang, cần được cải tạo công năng trở thành khu phức hợp thương mại, dân cư, văn hóa, giáo dục trên nền kiến trúc xây dựng hiện hữu.

Theo đánh giá của nhiều kiến trúc sư, hiện nay, tại nhiều vị trí đắc địa của TP.HCM, tình trạng xuống cấp của các công trình bỏ hoang hoặc đang chờ xử lý có thể thấy chủ yếu do việc tái định cư cho người dân gặp nhiều khó khăn, bất cập về quy chế và nguồn lực tài chính có giới hạn.

Ngoài ra, với số lượng di sản kiến trúc đáng kể và tiềm năng về cải tạo đô thị, TP.HCM cần hài hòa giữa việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển trong tương lai của trung tâm đô thị lịch sử, cải thiện nâng cao đời sống cho người dân…