10:56 11/02/2025

Tín dụng tăng trưởng khá ngay từ đầu năm 2025

Hoàng Lan

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%)...

Lãnh đạo Chính phủ chủ trì hội nghị với các ngân hàng thương mại sáng 11/2/2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Lãnh đạo Chính phủ chủ trì hội nghị với các ngân hàng thương mại sáng 11/2/2025 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

DƯ NỢ BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG TRƯỞNG CAO

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi tới Hội nghị, trong giai đoạn đầu năm 2025, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống nhanh nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ. Đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 0,6%).

Trước đó, trong năm 2024, quy mô tín dụng nền kinh tế đạt trên 15,6 triệu tỷ đồng, tăng 15,08% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,64% so với cuối năm 2022; cuối năm 2023 tăng 13,78% so với cuối năm 2022).
Trong đó, các ngân hàng thương mại có vai trò to lớn trong việc cấp tín dụng đối với nền kinh tế, chiếm khoảng 92,6% tỷ trọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Cùng đó, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (68,7%, tăng 15,8%), tiếp theo là ngành công nghiệp và xây dựng (24,75%, tăng 13,95%) và nông, lâm, thủy sản (6,55%, tăng 7,36%). 

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2024, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 16,11% so với cuối năm 2023 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế là 15,08 %) Trong đó, dư nợ tiêu dùng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 60%), dư nợ kinh doanh bất động sản chiếm khoảng tỷ trọng khoảng 40%.

Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Một số lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế (nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 24%, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm gần 18%) hoặc có tốc độ tăng trưởng tích cực (lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng lần lượt 28,26% và 42,24% so với cuối năm 2023.)

Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Cụ thể, đến 31/12/2024, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 16,11% so với cuối năm 2023, trong đó dư nợ tiêu dùng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 60%), dư nợ kinh doanh bất động sản chiếm khoảng tỷ trọng khoảng 40%. Dư nợ tín dụng kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ 1,13% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng 21,46%, tăng 13,47% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông giảm 7,76% so với cuối năm 2023.

Về tín dụng đối với dự án cao tốc Bắc Nam: Đến 31/12/2024, các tổ chức tín dụng đã giải ngân đối với dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 (3/11 dự án thành phần thực hiện theo hình thức PPP) với tổng hạn mức cấp tín dụng là 7.824 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 5.453 tỷ đồng.

Về tín dụng xanh: Đến 31/12/2024, dư nợ đạt trên 679 nghìn tỷ đồng, tăng 9,37% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%).

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐỀ XUẤT 4 NHÓM GIẢI PHÁP

Về giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng và triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, nỗ lực đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến 16%. Chủ động, kịp thời điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế mà không cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Phó Thống đốc Đào Minh Tú báo cáo tại hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 đề xuất, kiến nghị với Chính phủ nhằm khơi thông dòng vốn hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng cao.

Thứ nhất, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế, đặc biệt là về xúc tiến thương mại, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, nâng cao các yếu tố nền tảng thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế trong trung dài hạn.

Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, hỗ trợ phát triển thị trường vốn, tạo niềm tin cho thị trường, đảm bảo là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt sớm có các giải pháp phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các Quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thứ tư, có các biện pháp đủ mạnh để khơi thông các nguồn vốn đang bị nằm đọng tại các dự án bất động sản, dự án đầu tư hạ tầng, dự án của Ngành Công thương… để tạo điều kiện cho dòng vốn tiếp tục quay vòng, trong đó có tỷ lệ khá lớn của tín dụng ngân hàng.