12:11 23/05/2023

Tín hiệu bán mạnh ở cổ phiếu blue-chips, cổ phiếu nhỏ suy yếu

Kim Phong

Độ rộng thu hẹp dần trong sáng nay là tín hiệu đáng chú ý nhất, khi sức mạnh ngược dòng ở nhóm cổ phiếu nhỏ đã không còn tưng bừng như các phiên trước. Nhóm VN30 đang ép mạnh chỉ số xuống ngay cả khi vẫn còn VIC đang níu kéo. Trong khi tổng thanh khoản không tăng, rổ VN30 lại ghi nhận giao dịch lớn và giá giảm dần...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ tăng rất tốt sáng nay.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhỏ tăng rất tốt sáng nay.

Độ rộng thu hẹp dần trong sáng nay là tín hiệu đáng chú ý nhất, khi sức mạnh ngược dòng ở nhóm cổ phiếu nhỏ đã không còn tưng bừng như các phiên trước. Nhóm VN30 đang ép mạnh chỉ số xuống ngay cả khi vẫn còn VIC đang níu kéo. Trong khi tổng thanh khoản không tăng, rổ VN30 lại ghi nhận giao dịch lớn và giá giảm dần.

VN-Index chốt phiên đang mất 2,34 điểm tương đương -0,22%. Điểm số giảm không nhiều, ngay cả VN30 cũng mới mất 0,19%. Tuy vậy cả buổi sáng các chỉ số nay chỉ có một hướng là trượt dốc. Đi kèm với thanh khoản khá lớn, đó là tín hiệu của sức ép bán mạnh dần lên.

Đáng chú ý nhất là các blue-chips, đầu ngày có tới 26 mã tăng giá, chỉ BCM và VCB là đỏ. Tuy nhiên đến cuối phiên đã là 18 mã giảm và 6 mã tăng. VN30-Index từ tăng 0,29% thành giảm 0,19%, biên độ cũng không rộng. Có điều cổ phiếu kém hơn đáng kể, tới 18/30 mã trượt giảm hơn 1% so với mức cao nhất đầu phiên.

May mắn là cả VN30 lẫn VN-Index vẫn còn trụ. VIC tăng ngược dòng 1,54%, ACB tăng 1,2% và POW tăng 1,47% đang là lực đỡ chính. Dù vậy chính các mã này cũng đã suy yếu nhẹ. VIC đạt đỉnh tăng 2,69% lúc gần 11h, như vậy giá cũng đã tụt 1,12% trong 30 phút cuối. ACB đạt đỉnh khoảng 9h42, tăng 2,2%, hiện cũng đã trả lại gần 1%. POW tụt 0,72%.

Với số lớn cổ phiếu giảm giá trong nhóm blue-chips VN30 dù đầu ngày tăng áp đảo, rõ ràng sức ép lên giá đủ nhiều để bẻ hướng. Giao dịch khớp lệnh tại HoSE sáng nay giảm khoảng 4% so với sáng hôm qua nhưng giao dịch trong nhóm VN30 lại tăng gần 16%. STB, HPG, VNM, NVL, MBB, VJC, VIB… là các mã thanh khoản cao trong rổ này và giá đảo chiều.

Khối ngoại cũng ghi nhận bán ròng 157,4 tỷ đồng trong rổ VN30 và tổng giá trị bán chiếm khoảng 13% giao dịch của rổ. Như vậy khối này cũng không xả quá nhiều mà bên nhà đầu tư trong nước vẫn gây sức ép chính. VNM -67,8 tỷ, MSN -36,6 tỷ, CTG -20 tỷ, HPG -17,8 tỷ, NVL -13,6 tỷ, GAS -12,2 tỷ là các mã bị xả nhiều nhất. Không phải cổ phiếu nào bị khối ngoại bán cũng giảm giá và tỷ trọng bán cũng không quá lớn trong tổng thanh khoản.

VN-Index chịu sức ép lớn dần theo thời gian.
VN-Index chịu sức ép lớn dần theo thời gian.

Phần còn lại của thị trường vẫn duy trì được trạng thái khá tốt, với 145 cổ phiếu còn tăng giá. Dĩ nhiên số giảm tới 202 mã đồng nghĩa với sự phân hóa không còn rõ ràng, thậm chí là yếu so với các phiên trước. Trong số tăng cũng chỉ có 51 cổ phiếu đang trên tham chiếu hơn 1%. Ngoài ra cũng chưa tới một nửa (20 mã) đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên.

Nhóm cổ phiếu đi ngược dòng khá tốt sáng nay là cổ phiếu năng lượng và chứng khoán nhưng cũng không đồng đều. POW tăng 1,47%, KHP tăng 2,31% nhưng NT2 giảm 1,51%, PC1 giảm 0,85%. Nhóm chứng khoán đều hơn nhưng tăng nổi bật vẫn là các mã nhỏ như SBS, BMS, EVS, HBS, IVS trên 3%. Nhóm VND, SHS, SSI tăng không đáng kể, VCI còn giảm. Nhìn chung khả năng ngược dòng lúc này phụ thuộc vào cổ phiếu đơn lẻ nhiều hơn. Chỉ số Midcap chốt phiên sáng cũng giảm 0,09%, Smallcap giảm 0,02%.

Việc VN-Index trồi sụt yếu kéo dài quanh đỉnh ngắn hạn không phải là điều bất ngờ vì để chỉ số bứt phá, quan trọng nhất là các blue-chips phải mạnh. Đáng tiếc dòng tiền vào nhóm này vẫn quá kém. Sáng nay giao dịch có tăng lên thì lại do bán nhiều hơn. Điểm tích cực là độ rộng tuy co dãn hàng ngày nhưng vẫn có cả trăm cổ phiếu tăng giá bất kể chỉ số đỏ. Cơ hội lợi nhuận không giống nhau, nhưng quan trọng là thị trường vẫn tạo cơ hội, từ đó thu hút dòng tiền loanh quanh với các giao dịch ngắn hạn.