Tín hiệu gì từ cú đánh thốc cổ phiếu trụ đợt ATC?
VN-Index được giật lên cao gần 6 điểm, VN30 khoảng 5 điểm trong đợt ATC đã làm điều mà thị trường trông đợi: Không để cho các chỉ số thủng đáy. Bộ ba cổ phiếu “Vin” là đáng chú ý nhất, khi lượng tiền đổ vào đánh thốc giá lên trị giá hàng trăm tỷ đồng...
VN-Index được giật lên cao gần 6 điểm, VN30 khoảng 5 điểm trong đợt ATC đã làm điều mà thị trường trông đợi: Không để cho các chỉ số thủng đáy. Bộ ba cổ phiếu “Vin” là đáng chú ý nhất, khi lượng tiền đổ vào đánh thốc giá lên trị giá hàng trăm tỷ đồng.
VIC đóng cửa với trên 1,2 triệu cổ phiếu đẩy giá từ 66.300 đồng (tương đương giảm 5,3%) quay lại tham chiếu. Lượng tiền tốn vào cú đánh này khoảng 84,3 tỷ đồng. VHM giao dịch 1,67 triệu cổ, giá kéo vọt từ 58.500 (-4,1%) đồng lên 60.500 đồng (-0,82%), tương đương tốn kém 101,2 tỷ đồng. VRE giao dịch 574 ngàn cổ, giá từ 25.350 đồng (-6,1%) lên 26.00 đồng (-3,7%) tương đương cần 14,9 tỷ đồng.
Màn đẩy giá của bộ ba này có hiệu quả khá lớn, đặc biệt là VIC và VHM. VIC lùi về tham chiếu từ mức giảm rất sâu (5,3%) trong khi vốn hóa đặc biệt lớn. Giảm được gánh nặng của VIC mở đường cho VN-Index hồi lại đáng kể. VN-Index có thêm 6 điểm ở đợt ATC và thu hẹp mức giảm xuống còn 16,02 điểm tương đương 1,37% tuy cũng có đóng góp từ nhiều mã khác, nhưng công của VIC, VHM rất đáng kể.
Bộ ba cổ phiếu “Vin” có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ số, đặc biệt là tạo sức ép rất lớn trong phiên chiều nay. Cho đến trước khi được kéo ngược về tham chiếu, VIC lao dốc xuống sâu nhất 66.200 đồng tương đương giảm 5,43%. Riêng buổi chiều nhịp giảm này khiến VIC giảm thêm 2,5% so với giá chốt cuối phiên sáng. VHM cũng tạo đáy cuối đợt liên tục, giảm sâu nhất 4,26% so với tham chiếu, tức là giảm 0,9% so với cuối phiên sáng. VRE cũng rơi tới tận mức sàn -6,85% trước khi có hồi.
Khá nhiều cổ phiếu lớn cũng tạo đáy sâu nhất ngày hôm nay ở cuối phiên chiều, cùng thời điểm với VIC, VHM và VRE như GAS, TCB, HPG, BID. Đó cũng là lúc VN-Index lao dốc nặng nhất, giảm 2,28%, VN30 giảm 2,55%. Cả hai chỉ số này đã tạo đáy mới thấp hơn mức thấp nhất của hai lần trước. Đáng tiếc là trong đợt ATC, không phải trụ nào cũng được giật giá lên. VCB chẳng hạn, bị ép xuống sâu hơn nữa, từ mức 72.400 đồng xuống 72.000 đồng, giảm tổng cộng 2,7% so với tham chiếu. Nếu VCB cũng mạnh lên, hoặc chỉ cần không bị ép tụt giá thêm thì mức phục hồi của các chỉ số có thể tới gần 7 điểm.
Dù vậy việc đỡ giá ngược lên ở các cổ phiếu lớn đã góp phần ngăn chặn mức giảm đủ lớn để chỉ số lại “phá đáy” lần nữa. VN-Index chốt ngày đạt 1.155,29 điểm, dù vẫn giảm 1,37% so với tham chiếu, nhưng không thấp hơn đáy gần nhất.
Sức ép từ nhịp lao dốc mạnh ở các chỉ số có tác động khá lớn trong chiều nay. Độ rộng lúc VN-Index chạm đáy chỉ còn 93 mã tăng/370 mã giảm. Kết phiên VN-Index có 131 mã tăng/319 mã giảm. Khoảng 91 cổ phiếu trong nhóm giảm mất từ 2% trở lên cũng không phải là quá nặng, 54 mã khác giảm từ 1%-2%.
Nhóm tăng ngược dòng hôm nay có khá nhiều mã xuất sắc, thu hút dòng tiền rất tốt. SSI tăng 1,23% với thanh khoản cao nhất thị trường, đạt 534,8 tỷ đồng; DIG tăng 4,29% với 468,5 tỷ đồng; HAG tăng 6,55% với 258,6 tỷ đồng; GEX tăng 4,06% với 222,8 tỷ; DBC tăng 6,91% với 206,5 tỷ...
Thanh khoản phiên chiều khá lớn, với gần 5.649 tỷ đồng, cao hơn phiên sáng 1%. Với độ rộng hẹp lại thì khả năng lớn hơn là thanh khoản do người bán xả hàng áp đảo. Tuy vậy điểm an ủi là tới 80% số cổ phiếu ở HoSE có giao dịch trong phiên đã đóng cửa cao hơn mức thấp nhất ngày, hơn 58% đóng cửa cao hơn đáy từ 1% trở lên. Như vậy lực cầu mua đỡ vùng giá thấp vẫn đủ tốt.
Vốn ngoại hôm nay đóng vai trò rất nhỏ trên thị trường. Tổng mức giải ngân ở HoSE chỉ chiếm khoảng 6% giao dịch, tổng bán ra chiếm 6% và mua ròng chỉ 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên với vài mã cụ thể thì khối ngoại đỡ giá khá tốt. VNM được khối này mua 48% thanh khoản tương đương 53,7 tỷ đồng. GMD, PNJ, MWG là các mã được mua ròng trên 20 tỷ. Phía bán SSI bị xả ròng 46,7 tỷ nhưng lượng bán chỉ chiếm gần 9% thanh khoản.