18:08 11/10/2024

Tín hiệu mới cho bancassurance

Vân Nguyễn

Việc hợp tác trong quan hệ kinh doanh nói chung và bảo hiểm - ngân hàng nói riêng (bancassurance) đều hướng đến mục tiêu chung là 2 bên cùng có lợi. Khi không còn “tiếng nói chung” thì sự chia tay, ở góc độ tích cực cũng sẽ tốt cho tất cả các bên tham gia...

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh và liên tục, ngành bảo hiểm nhân thọ đã gặp khó trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024 - Ảnh minh họa.
Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh và liên tục, ngành bảo hiểm nhân thọ đã gặp khó trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024 - Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường nhân thọ 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 15.924 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Bảo Việt Nhân thọ với 2.616 tỷ đồng, tiếp theo là Prudential với 2.502 tỷ đồng, Dai-ichi Life với 2.423 tỷ đồng, Manulife với 1.648 tỷ đồng và FWD với 999 tỷ đồng.

Dù vẫn chưa hết khó khăn, nhưng đà giảm của bảo hiểm nhân thọ đã giảm dần. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ trong 8 tháng qua ước đạt 93.777 tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; trong khi con số này trong 6 tháng đầu năm là 70.493 tỷ đồng, giảm 9% và 7 tháng là 81.797 giảm 8,5%.

KHI THỊ TRƯỜNG CHÔNG CHÊNH

Kênh bán chéo bảo hiểm (bancassurance) được xem là “gà đẻ trứng vàng”. Từ thời điểm “đỉnh cao” năm 2020 trở về trước, bancassurance luôn là kênh phân phối mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng.

 

Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng khi tổng số lượng hợp đồng đang hiệu lực tính đến tháng 9/2024 chỉ đạt gần 12 triệu hợp đồng, bằng 12% dân số của Việt Nam. Hậu “chia tay” giữa Techcombank và Manulife cho thấy sẽ có những bước chuyển mình của mảng kinh doanh này. Đồng thời, khách hàng của hai "ông lớn" này sẽ có cơ hội tiếp cận những dịch vụ mới về bảo hiểm.

Cụ thể tại Vietcombank, nhận lợi nhuận trước thuế của bancassurance đạt 23.050 tỷ đồng năm 2020, riêng phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng. Ngân hàng này đã ký hợp đồng độc quyền 15 năm với Công ty Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam với giá trị lên đến 1 tỷ USD.

Tương tự, hợp tác độc quyền 15 năm giữa ACB và Sun Life cũng mang lại kết quả hết sức ấn tượng. Chỉ trong 2 năm đầu tiên hợp tác, đã có hơn 95.000 khách hàng tham gia các giải pháp bảo hiểm của Sun Life qua ACB với tổng doanh thu phí hơn 2.700 tỷ đồng. Hay các thương vụ độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential, Generali với OCB,… cũng có kết quả ngoài mong đợi.

Với Techcombank, việc “bén duyên” cùng Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam được hình thành vào năm 2013 thông qua hợp tác đa phương. Tình hình hợp tác khả quan, 2 bên tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền vào năm 2017 với cuộc “hôn phối” dự kiến sẽ kéo dài 15 năm.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ năm 2023 khi liên tiếp xảy ra các vụ lùm xùm khách hàng tố SCB “ép” mua bảo hiểm, bị “hô biến” từ tiền gửi tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ…, khiến lòng tin của khách hàng vào bảo hiểm nhân thọ sụt giảm. Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm sụt giảm hơn 8,3% trong năm 2023 và lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm.

Trong quý 1/2024, doanh thu phí bảo hiểm năm thứ nhất (FYP) của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục giảm 35% sau khi giảm 44% trong năm 2023. Kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nhiều ngân hàng ghi nhận giảm mạnh doanh thu từ kênh bán chéo bảo hiểm, thậm chí có ngân hàng giảm tới hơn 70% doanh thu từ kênh này.

Chẳng hạn, năm 2023, MBBank ghi nhận doanh thu bán bảo hiểm giảm 19%. Quý 2/2024, mặc dù vẫn sụt giảm nhưng mức giảm chỉ còn nhẹ 5% (Doanh thu quý 2/2023 đạt 4.190 tỷ, quý 2/2024 giảm còn 3.950 tỷ).

TPBank cũng giảm gần 57% doanh thu từ hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn. Cả năm 2023, mảng này chỉ mang về cho TPBank hơn 377 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt tới hơn 876 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung, doanh thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của SeABank trong năm 2023 giảm tới 73% so với năm 2022, chỉ đạt 144,7 tỷ đồng năm qua. Trong báo cáo tài chính quý 1 và 2/2024, ngân hàng này không ghi nhận thông tin bancassurance.

Tương tự, Techcombank cũng ghi nhận phí bảo hiểm quy năm (APE) giảm mạnh trong năm 2023, chỉ đạt 934 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2022 (đạt 1.202 tỷ đồng). Sang quý 1/2024, mảng dịch vụ này của Techcombank tiếp tục giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, trước khi phục hồi lại mạnh mẽ hơn với mức tăng trưởng gần 32% (so với quý 2/2023).

Ước tính trong 8 tháng đầu năm 2024, APE của Techcombank tăng trưởng trở lại với gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Đối với tỷ lệ bán mới, Techcombank tiếp tục đạt kết quả khả quan hơn trong năm 2023 và thuộc nhóm dẫn đầu thị trường.

KHÔNG GIAN CHO BANCASSURANCE VẪN RỘNG MỞ

Hai năm nay, kênh bancassurance bị sụt giảm khá mạnh. Bỏ qua những tác động khách quan bất khả kháng khiến mối quan hệ bảo hiểm - ngân hàng đứt gãy và để lại nhiều hệ lụy cho các bên, ở những mối quan hệ khác, cho dù đã đặt bút ký hợp đồng hợp tác độc quyền, nhưng nếu hợp tác không như kỳ vọng thì mối lương duyên “độc quyền” tưởng chừng bền chặt đó cũng có thể bị “đứt gãy”.

Mối “lương duyên” giữa FWD Việt Nam và ABBank cũng đứt đoạn sau 6 năm ký kết độc quyền (từ 2016 đến 2022). Dai-ichi Life Việt Nam cũng thông báo ngừng hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và dịch vụ chăm sóc khách hàng liên quan tới HDBank từ tháng 4/2023 sau 8 năm hợp tác kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Theo cam kết hợp tác 10 năm giữa 2 bên, thì cuộc “hôn phối” này đã kết thúc sớm hơn do đã hết “mặn nồng”.

Hợp tác độc quyền bán chéo sản phẩm bảo hiểm giữa nhiều Ngân hàng và Công ty bảo hiểm nhân thọ kết thúc trước hạn do không còn "tiếng nói chung".
Hợp tác độc quyền bán chéo sản phẩm bảo hiểm giữa nhiều Ngân hàng và Công ty bảo hiểm nhân thọ kết thúc trước hạn do không còn "tiếng nói chung".

Theo công bố mới nhất của Techcombank và Manulife, hợp tác độc quyền giữa hai bên sẽ kết trước hạn với nguyên nhân được lý giải: “Trước bối cảnh thị trường và chiến lược hai bên có nhiều thay đổi cùng với những yêu cầu mới của Luật kinh doanh bảo hiểm, trong thời gian qua, Manulife Việt Nam và Techcombank đã có những buổi thảo luận về các điều khoản hợp tác nhằm thích ứng với nhu cầu của cả hai bên và đảm bảo lợi ích lâu dài cho khách hàng”.

Cuộc chia tay của hai bên có vẻ diễn ra trong êm đẹp, “văn minh” và Manulife cam kết thực hiện các quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm thông qua Techcombank.

Với kết quả kinh doanh tạm ghi nhận tiến triển tốt thì rõ ràng cuộc “ly hôn” sớm này có thể bắt đầu từ những thay đổi chiến lược của hai bên và tác động từ bối cảnh thị trường mới. Do đó, việc cố níu kéo một “mối quan hệ cũ” đã thực sự không còn phù hợp. Chiến lược kinh doanh sau 10 năm có sự điều chỉnh là chuyện dễ hiểu, nhất là những tổ chức đang phát triển nhanh và thay đổi từng ngày như Techcombank.

Nhìn từ hướng tích cực, sau cuộc chia tay này, những cánh cửa mới và cơ hội mới sẽ tiếp tục mở ra cho cả hai bên, để tạo những giá trị cũng như làn gió mới cho thị trường vốn đã ảm đạm này.

Với tiềm lực hiện có, sau cuộc chia tay này, Techcombank hoàn toàn “tự do”, không ràng buộc bởi một đối tác độc quyền nào để chuẩn bị cho một lộ trình mới trong thời gian tới. Hiện chưa có thông tin về đối tác bảo hiểm nào “đủ hấp dẫn” để Techcombank tiến tới “hôn nhân” độc quyền, nhưng chắc chắn nhà băng này cũng sẽ thận trọng trong việc lựa chọn người gắn bó trong hành trình tiếp theo.