Tình hình xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Bình Dương đang “không ổn”
Ngày 28/3, tại Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 - khóa XI (mở rộng). Tại sự kiện, nhiều thông tin quan trọng về phát triển kinh tế xã hội trong quý I của địa phương này được công bố. Đáng chú ý, tình hình xuất khẩu của Bình Dương đang gặp nhiều khó khăn...
Ngày 28/3, tại Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 - khóa XI (mở rộng). Tại sự kiện này, nhiều thông tin quan trọng về phát triển kinh tế xã hội trong quý I của địa phương này được công bố. Đáng chú ý, tình hình xuất khẩu của Bình Dương đang “không ổn”…
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động Bình Dương, trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới nên đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành may mặc, giày da và chế biến gỗ, kéo theo ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều công nhân, lao động, do giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Đến nay, số người lao động trở lại làm việc trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 93%, riêng trong khu công nghiệp, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt 98%.
Bên cạnh đó, có khoảng hơn 180.000 lao động bị giảm giờ làm, hơn 29.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và có khoảng 22.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, các ngành da giày, dệt may, gỗ tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000 đến 10.000 lao động.
Theo bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và tổ chức Công đoàn các cấp đã và đang tích cực triển khai hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo đúng, trúng đối tượng và quyết định giải ngân hỗ trợ kịp thời. Tính đến nay có 4.177 hồ sơ nộp về Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện các phòng chuyên môn, tổ giúp việc đang tiến hành khẩn trương thẩm định.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, trong quý I/2023, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%). Tình hình xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp.
Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,7% (quý I/2022 tăng 9,8%); tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh giảm như sản phẩm gỗ (giảm 41,5%), máy móc – thiết bị (giảm 7,4%), dệt may (giảm 17,4%), giày da (giảm 12,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 14% (quý I/2022 tăng 0,2%).
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu, trước hết phải tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể; làm dứt điểm từng việc để động viên doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh vượt qua khó khăn.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía Nam di dời vào các khu, cụm doanh nghiệp phía Bắc của tỉnh; tháo gỡ khó khăn trong xác định giá đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Thủ Dầu Một - Chơn Thành; thực hiện tốt chính sách tái định cư, đền bù giải tỏa. Đến tháng 6/2023, phải thông qua kế hoạch chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh, nhất là tại địa bàn các thành phố.
Rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh; giải quyết dứt điểm các dự án có nhiều khiếu kiện kéo dài; phấn đấu trong tháng 6/2023 phải khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, cuối năm 2023 phải khởi công đường Vành đai 4, đầu năm 2024 khởi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động Bệnh viện 1.500 giường…