13:25 22/01/2009

Toàn cảnh an ninh mạng Việt Nam 2008 và dự báo 2009

Quỳnh Anh

Virus là một trong những điểm nóng trong toàn cảnh an ninh mạng tại Việt Nam năm 2008

Các cuộc tấn công công nghệ cao tại Việt Nam được BKIS dự báo sẽ có chiều hướng giảm bớt, khi luật hình sự sửa đổi và bổ sung sẽ được Quốc hội chính thức thông qua và ban hành vào đầu năm 2010.
Các cuộc tấn công công nghệ cao tại Việt Nam được BKIS dự báo sẽ có chiều hướng giảm bớt, khi luật hình sự sửa đổi và bổ sung sẽ được Quốc hội chính thức thông qua và ban hành vào đầu năm 2010.
Virus là một trong những điểm nóng trong toàn cảnh an ninh mạng tại Việt Nam năm 2008.

So với năm 2007, số dòng virus mới tăng gấp 5 lần và số lượt máy tính bị nhiễm tăng gần gấp đôi năm ngoái, từ 33 triệu lên gần 60 triệu.

"Danh sách đen"

Theo tổng kết của Trung tâm An ninh mạng (BKIS), trong năm 2008 đã có 33.137 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam, trong đó 33.101 dòng có xuất xứ từ nước ngoài và 36 dòng có xuất xứ từ trong nước. Các virus này đã lây nhiễm trên 59.450.000 lượt máy tính.

Virus lây nhiều nhất trong năm 2008 tại Việt Nam là W32.SecretW.Worm, đã lây nhiễm trên 420.000 máy tính.

Ngoài ra, đáng chú ý là việc có tới hàng triệu người  sử dụng Yahoo!Messenger tại Việt Nam đã lao đao, mất liên lạc với bạn bè, đối tác do chương trình này không dùng được khi máy tính bị nhiễm virus Kavo, xuất xứ từ Trung Quốc.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, đã có khoảng 1,2 triệu  máy tính tại Việt Nam bị nhiễm Kavo, với hàng loạt biến thể mới. Bình quân hơn 40.000 máy tính bị nhiễm trong một ngày, một kỷ lục về tốc độ lây  lan.

Đây cũng là loại virus có tốc độ xuất hiện biến thể nhiều nhất từ trước  tới nay, trung bình mỗi ngày có tới 20 biến thể mới của Kavo được tung lên mạng.

Mục tiêu của hacker là nhằm tấn công các game online để lấy cắp tài khoản của người chơi. Nhưng do mắc lỗi trong lập trình, khi virus can thiệp vào bộ nhớ của Yahoo!Messenger đã tự sinh ra lỗi truy xuất bộ nhớ (memory exception), khiến người sử dụng không thể đăng nhập vào ứng dụng này.

Bên cạnh đối phó với tình trạng virus gia tăng, theo BKIS, chưa có năm nào thế giới Internet lại có nhiều tình huống nguy cấp như 2008. Năm qua, ít nhất 3 lần tất cả người sử dụng Internet trên thế giới đã bị đặt trong tình huống nguy hiểm và người sử dụng Việt Nam cũng nằm trong số đó.

Ở Việt Nam, tội phạm tin học sau hai năm im ắng có dấu hiệu quay trở lại. Cụ thể là các vụ cướp tên miền của Công ty P.A Vietnam, vụ hack website Techcombank hay vụ tấn công DDoS...

Năm qua cũng là năm ghi nhận năng lực của các chuyên gia an ninh mạng với cộng đồng quốc tế khi nhiều trang tin công nghệ hàng đầu thế giới như CNET, PCWorld, ComputerWorld, InfomationWeek... nhiều lần đăng tải kết quả nghiên cứu, cảnh báo về an ninh mạng của các chuyên gia Việt Nam.

Những cảnh báo này liên quan đến các thương hiệu toàn cầu như Google, Microsoft, Asus hay Toshiba... Sự kiện này đã chứng tỏ người Việt Nam thực sự có năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng.

Số vụ tấn công có thể giảm bớt

BKIS nhận định: năm 2009, virus vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện hàng ngày với số lượng ngày càng tăng, đặc biệt là các dòng virus ghi đè file chuẩn. Tuy nhiên, những điều này có thể sẽ thay đổi nếu dự thảo sửa đổi luật hình sự mới đây của Trung Quốc sớm được thông qua.

Theo dự thảo luật mới, những hành vi phát tán virus để đánh cắp dữ liệu hoặc thâm nhập máy tính tại quốc gia này sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng. Khi đó số lượng virus trên toàn cầu có thể sẽ giảm bớt, bởi phần lớn số lượng mã độc hiện nay là có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các cuộc tấn công công nghệ cao tại Việt Nam được BKIS dự báo sẽ có chiều hướng giảm bớt, khi luật hình sự sửa đổi và bổ sung sẽ được Quốc hội chính thức thông qua và ban hành vào đầu năm 2010.

Trong đó, các điều khoản liên quan đến tội phạm công nghệ cao đã được Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Công an (cụ thể là cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao C15), chỉnh sửa và bổ sung.

Theo đó, các hành vi phạm tội như tấn công từ chối dịch vụ, phát tán virus, lừa đảo, tấn công trực tuyến... đã được định nghĩa rất chi tiết. Và hình phạt cao nhất cho các hành vi này có thể lên đến 12 năm tù. Đây chính là hành lang pháp lý để áp dụng xử lý nghiêm việc phạm tội của "tin tặc".

“Những vi phạm trên mạng cũng luôn luôn để lại dấu vết như trong cuộc sống thực. Vì vậy, người có hành vi vi phạm sớm muộn cũng sẽ bị tìm ra”, báo cáo của BKIS nhấn mạnh.